Translate

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Vì Sao Dân CNTT (IT) Phải Có Lương Cao?



VÌ SAO DÂN CNTT (IT) PHẢI CÓ LƯƠNG CAO ?
Dương Quang Thiện
17/09/2013


Vì sao dân IT phải có lương cao, chắc có lần bạn đã từng đặt câu hỏi. Bài này cố gắng trả lời một cách khách quan.
Tôi là người Việt đầu tiên vào ngành IT khi gia nhập tập đoàn IBM FRANCE vào năm 1964, ở Paris (Pháp). Bạn nên biết là vào thời điểm đó không có đại học nào trên thế giới đào tạo kỹ sư điện toán (bây giờ ta gọi là kỹ sư tin học, hoặc IT). Các công ty IT lớn như IBM, BULL (Pháp), HONEYWELL, NCR, phải tự mình đào tạo lấy kỹ sư mình sẽ sử dụng.
Trong 2 năm tôi đã được đào tạo lại thành System Engineer, có ăn lương, biết lập trình và phải biết xây dựng những hệ thống thông tin (HTTT) quản lý xí nghiệp. Lương lúc ấy được trả rất cao so với mặt bằng lương bình quân các kỹ sư tại Pháp. Mình có cảm tưởng là dân ưu tú nhất của Pháp. Qua tháng 7/1965, tôi được gởi về VN làm cho công ty IBM WORLD TRADE, một chi nhánh của tập đoàn IBM, với tiền lương cao như hồi ở Pháp. Từ đó, tôi thường tự hỏi vì sao lương dân IT ở VN trước 1975, cũng như trên thế giới lương cao như thế. Ngoài ra, tôi cũng phát hiện ra, dân tỉ phú Mỹ, trong nhóm 500 người giàu nhất ở Mỹ của danh sách Forbes, thì dân giàu ngành IT nằm trong top 10, có đến 2 người là Bill Gates (Microsoft) và Larry Ellison (Oracle)  mới gia nhập từ 1972 trở đi, trong khi WalMart, thì đã vào danh sách lâu đời rồi. Ngoài ra, còn có những đại gia Larry Page (Google), Mark Zuckerberg (Facebook), Michael Dell (Dell), v.v.. toàn là dân IT. Hỏi tất phải trả lời.
Bạn biết không, sau thế chiến thứ 2, 1945, trong giai đoạn phát triển công nghiệp và thương mại, người Mỹ nhận ra rằng, viêc quản lý kinh tế và xử lý dữ liệu là hai ngành rất quan trọng trong việc phát triển đất nước. Do dó, người Mỹ mới cho ra lò những bằng MBA nổi tiếng trong khi người Pháp thì lại chú tâm vào những ngành công nghiệp, như kỹ sư mỏ điạ chất điện tử, cơ khí, v.v.. Dân Pháp thích học những trường đào tạo kỹ sư, còn ngành thương mại thì ít người theo học, vì người Pháp quan niệm đi làm những ngành make money là không có văn hoá. Do đó, IBM (Mỹ) phát triễn những máy thay con người xử lý dữ liệu, mà bây giờ các bạn gọi là máy tính, hoặc máy vi tính. Thời đó, chưa có Internet, các máy đươc gọi là máy EDP tắt cụm từ Electronic Data Processing, nghĩa xử lý dữ liệu bằng phương tiện điện tử, thay vì làm bằng tay. Miền Nam trước 1975, tôi cho gọi các máy này là máy điện toán, và người viết chương trình cho máy điện toán chạy là thảo chương viên, nghĩa là người thảo (viết ra) ra chương trình, theo từ coding. Để tỏ mình là "bên thắng cuộc", anh em khoa học miền Bắc cho đặt lại là máy tính (hoặc vi tính), và lập trình viên, thay vì từ đã có là máy điện toán,  thảo chương viên. (Các từ này do tôi chế ra vào những năm 1965). Tôi xin lỗi là đi hơi lạc đề.
Vào thời kỳ 1965-1975, vì ký ức trên máy tính bị hạn chế, nên người ta chỉ xử lý dữ liệu tại các ngành có số liệu lớn, cấu trúc xử lý ổn định, rõ ràng, như số liệu kế toán, vật tư, lương bổng, hoá đơn, công nợ khách hàng/nhà cung cấp, tài khoản ngân hàng, v.v.. Chứ không có máy tính chơi game hoặc xem phim sex, hoặc dùng để tung các clip Youtube. Mà như bạn đã biết người Mỹ họ thường bảo "thời giờ là tiền bạc", nên máy tính thay thủ công phải xử lý càng nhanh càng đem về nhiều tiền bạc. Chính điểm này người Mỹ và châu Âu khác với người VN. Người VN thì rất lề mề, cao su, nếu làm chi không đúng giờ thì xin bà con thông cảm với lý do này nọ. Hồi tôi làm việc cho hãng bia BGI (bây giờ là SABECO), lương cho công nhân máy tính phải xong trong 8 tiếng (với 1800 công nhân), kế toán vật tư phải tính xong trong 1 tuần lễ (với 40.000 mặt hàng), v.v.. Nghĩa là không có chuyện kéo dài lê thê. Người Mỹ họ tính rất kỹ, làm tay tốn bao nhiêu, làm máy tính rút ngắn bao nhiêu thời gian, quy ra tiền bao nhiêu, tính ra sai biệt thì thấy làm máy tính lợi được rất nhiều tiền, nên đành trích tỉ lệ tăng lương cho IT. Thế thôi, đó lý do vì sao dân IT được nhận lương cao. Người Mỹ họ chỉ trả lương khi người đó đem lại một lợi ích rất lớn qui ra tiền, chứ không như ta hồi trước nhân danh công bằng này nọ, hoặc theo chủ thuyết "làm theo nhu cầu, hưởng theo năng lực" mà cào bằng đồng lương như nhau. Bạn nên tự hỏi vì sao ở Mỹ lương bác sĩ, nha sĩ, hoặc phi công hàng không dân dụng lương cao ngất ngưỡng. Vừa rồi, người ta cho biết ngân hàng JP Morgans ở Mỹ đã dùng 1000 kỹ sư IT chuyên thống kê, trả lương rất cao, chỉ để xây dựng những HTTT cho giao dịch chứng khoán và đầu tư mạo hiểm. Nghĩa là hy vọng tiền vô do mạo hiểm càng nhiều, thì phải chi cho dân IT thật cao. Rất lô gic.
Ngoài ra, người ta ở VN nhận thấy những đại gia, hoặc các công ty đại gia trong danh sách 500 người/công ty giàu nhất ở Forbes ở Mỹ thì dân IT khá nhiều, và chỉ mới xuất hiện từ 1972 trở đi. Từ đó, các nhà khoa học miền Bắc (Phan Đình Diệu, Hồ Thuần, Vũ Duy Mẫn, Nguyễn Văn Công, ...) có một suy luận rất tai hại là:  muốn giàu nhanh thì chỉ có đi theo ngành CNTT, chứ đừng đi làm ruộng hoặc nuôi trồng thuỷ sản. Do đó, một lãnh đạo FPT đã từng phát biểu là GDP của một IT bằng GDP của  1000 nông dân cộng lại. Và từ đó, người ta yêu cầu đảng ra những nghị quyết về CNTT, những cuộc thi tin học, gởi người ra ngoại quốc dự thi tin học quốc tế v.v.. Và cuối cùng người ta đề nghị lương của dân IT phải cao hơn mặt bằng lương bình thường của các ngành khác. Ở Mỹ, người ta tính lương dân IT sau khi biết là dân này đã đem lại lợi ích bao nhiêu mới đề nghị lương cao. Còn ở ta, chưa biết công việc làm được ất giáp thế nào, chỉ nghe dân Mỹ trả cao, thì mình cũng theo kinh tế thị trường trả lương cao cho dân IT. Ngoài ra, một điểm mà chã ai để ý là, ở Mỹ dân IT giỏi khó kiếm vì hiếm nên thường họ trả cao để lấy cho được người, một cuộc chạy đua dành người.
Một hiểu lầm tai hại thứ hai là: người ta bảo rằng dân IT phải là dân giỏi toán. Nên người ta gắn tin học với môn "Toán Tin". Nhưng trong thực tế, tin học cần những dân giỏi lô gic chứ không phải dân giỏi toán. Mà dân giỏi lô gic là dân luật (dân cãi chày cãi cối, như dân Quảng Nam), dân triết, dân văn. Dân này giỏi lô êgic. Do đó, dân lập trình ra trường ở VN không xài được, vì khi tuyển vào không đúng aptitude. Suốt 50 năm làm ngành tin học, tôi chưa bao giờ đụng đến một công thức toán ngoài cộng trừ nhân chia bình thường của bà nội trợ. Do đó, vừa rồi ông bộ trưởng Tư pháp đề nghị ông giáo sư toán họ Ngô, giúp giải quyết vấn đề thủ tục hành chính, không dính dáng chi đến toán, trong khi cách đây 20 năm, tôi và nhóm SAMIS đã giải quyết vấn đề này ở huyện Bình Chánh, thời ông Lê Trường Tùng (bây giờ là hiệu trưởng trường tin học FPT) khi ông ta  làm chủ ban cải cách hành chánh tại UBND tp HCM. 
Ngoài ra người ta đâu có biết mặt sau của vấn đề lương cao của IT ở nước ngoài. Người viết đã sống gần 50 năm với ngành IT từ khi trứng nước cho đến ngày hôm nay nên có thời gian suy nghĩ đến vấn đề. Nó như vầy: lương thì cao đấy, không chối cãi chi được, nhưng trong công việc thì làm như điên bất kể đêm ngày. Nếu bạn là lập trình viên, chương trình đang hoạt động nữa đêm tại một điạ điểm nào đó mà bị ngưng vì một lỗi chương trình (bug) gì đó; và bạn bị dựng đầu dậy lúc đang ngủ, và ngoài trời tuyết xuống, lạnh cóng, thì có muốn hay không, bạn cũng phải xách xe đi liền. Một phút trễ có thể được tính bằng vài nghìn đô. Đến nơi, bạn có thể thấy hoặc là chương trình bạn viết sai, hoặc là của một thằng lập trình viên trời đánh đã thôi việc từ lâu. Có thể bạn biết lô gic của chương trình, mà có thể không biết gì ráo trọi. Mà mỗi phút trôi qua chưa giải quyết là công ty mất toi vài nghìn đô đến vài chục triệu đô. Còn nếu bạn giải quyết đươc sự cố thì thành tích làm lợi sẽ được ghi nhận tính vào tiền thưởng cuối tháng hoặc cuối năm. Cho nên lương cao chừng nào, thì nhọc nhằn của nghề cũng cao theo luôn. Ở âu mỹ không ai chịu cho không đâu. 
Có một con số bạn nên biết qua: ở Mỹ, hằng năm người ta chi cho các dự án tin học cho các xí nghiệp là 250 tỉ đô (GDP của VN vào khoảng 120 tỉ đô). Kết quả là chỉ có 16% dự án thành công đúng tiến độ, đúng chi phí kế hoạch. Còn 50% kế hoạch không đúng tiến độ (trễ 2 năm), giá đội quá cao so với kế hoạch (vượt 180%). Còn 34% dự án phải vất xuống ống cống. Cuối cùng trên 250 tỉ đô, thì vất xuống cống 1/2. Chỉ có 125 tỉ xài được. Một nước Mỹ đào tạo dân IT có bài bản như thế mà còn ra thế, còn VN thế nào, thì bạn có lẽ biết rõ hơn tôi. Do đó, người ta trách là hiện các giám đốc công ty xem thường dân IT. Mà người xưa thường bảo "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Tới đây, có lẽ tôi đã nói hết ý. Còn thiếu chi các bạn cứ thành thật nêu ra, tôi sẽ cố gắng trả lời trong khả năng của tôi.


DƯƠNG QUANG THIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét