Translate

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Vì Sao Dân CNTT (IT) Phải Có Lương Cao?



VÌ SAO DÂN CNTT (IT) PHẢI CÓ LƯƠNG CAO ? 
(Tiếp theo và hết)
Dương Quang Thiện
18/09/2013

Trong câu chuyện của dân IT, có một suy nghĩ mà tôi muốn đề cập đến, rồi vì bài viết quá dài  nên tôi quên đưa vào. Nay thì xin bổ sung, để bà con đọc cho vui.
Có một cô người quen bảo rằng cô ta định mở một công ty logistic môi giới giúp các nhà sản xuất bán đươc hàng ở các vùng sâu vùng xa, với chi phí rẽ. Một ý tưởng rất đáng trân trọng, cổ vũ. Vấn đề là tạo một database về khách hàng, địa điểm phân phối, mặt hàng phân phối với giá cả, tồn kho, và các giao dịch xuất nhập, và kế toán. Theo tôi, bài toán chã có chi phức tạp, nếu dùng Access, thì chừng 2 tháng tối đa là xong. Khi cô ta hỏi đại học bách khoa có làm được không, và giá bao nhiêu, nếu đồng ý. Theo bạn, người ta đòi bao nhiêu?... Trả lời: 6 tỉ đồng. Tôi suýt ngất xỉu.
Cái tôi nhận xét là giá cả viết phần mềm ở VN đắt kinh khủng, mà chưa chắc chất lượng đã là cao. Phần mềm nội cũng như ngoại. Doanh thu khủng của FPT cũng chỉ là do lãi bán phần mềm ngoại, còn phần mềm nội thì cao nhưng không bảo đảm nên bán ít. Các bạn thử tìm hiểu xem giá biểu tư vấn của một chuyên viên ERP trong một ngày là bao nhiêu đô. Tôi không dám nêu ra, vì sợ bị bảo thọc gậy bánh xe chuyện người ta đang làm ăn. Tôi cho rằng có một sự bóc lột tận tình nhân danh khoa học kỹ thuật, nhân danh sự tiến bộ, mà tôi sẽ giãi thích sau cho bạn biết, để bạn biết rằng các đại gia IT, cũng như dân viết phần mềm là những dân bóc lột người khác mà họ cứ ngây thơ tưởng mình đem lại sự tiến bộ cho quốc gia, nhân loại. 
Tôi xin kể chuyện tính giá của IBM hồi thời tôi làm việc cho IBM từ 1964-1969, ở Pháp cũng như ở VN. Nó như vầy: vào thời đó, 1965, giá một máy điện toán nho nhỏ về mặt sức mạnh xử lý tính vào khoãng 700.000 đô (bây giờ là 3 triệu đô, nếu tính theo tỉ lệ mất giá của đô), một số tiền đầu tư quá lớn đối với một xí nghiệp trung bình. Do đó, IBM phần lớn cho các công ty thuê máy tính, tính theo tiền thuê hằng tháng, không bằng lòng thì khách trả máy lại. Thế thôi. Như vậy phận sự của system engineer (SE) chúng tôi là bảo đảm khách hàng thuê máy tối thiểu 3 năm, tối đa 6 năm. Không có chuyện lại quả, mua chuộc ở đây. Công ty IBM nổi tiếng là một công ty làm ăn rất đạo đức. Trước khi khách hàng ký hợp đồng thuê máy, SE chúng tôi phải ngồi lại với khách hàng phân tích các vấn đề cần phải được giải quyết bởi máy điện toán, các ứng dụng phải thực hiện, xác định loại máy nào sẽ được sử dụng, giá thuê hằng tháng bao nhiêu, bao nhiêu lập trình viên, điều hành viên phải được đào tạo, lấy ở đâu. Và một bản so sánh tính bằng tiền giữa việc làm bằng máy và tiền làm bằng thủ công. Tất cả phải rõ ràng để khách hàng có cơ sở khiếu nại về sau. Bạn thấy không, tiền đồ của chúng tôi tuỳ thuộc hợp đồng được ký dài lâu thế nào. Như vậy bạn thấy lương của IT lớn nhỏ tuỳ thuộc số hợp đồng ký được trong khoãng thời gian nào đó. Bây giờ, nhớ lại tôi không biết tôi lấy đâu ra sức lực ký được 12 cái hợp đồng trong 3 năm từ 1966-1968. Năm 1969, tôi bỏ IBM qua làm cho hãng bia Pháp BGI (nay là SABECO).

Vì máy điện toán sẽ đựơc sản xuất ở Mỹ và chỉ được giao sau một năm, nên sau khi ký xong hợp đồng, là phải tiến hành phân tích ứng dụng song song với việc đào tạo lập trình viên trong 3 tháng, là qua lập trình thực thụ, rồi cho đục phiếu chương trình. Việc này được tiến hành trong một năm trời, khi máy về thì cho chạy thử, song song trong 3 tháng với việc làm bằng tay. Nếu có sai sót thì sửa chữa trong thời gian này. Sau đó phải cho hoạt động thực thụ trên máy điện toán, việc làm bằng tay chấm dứt. Nếu ứng dụng không chạy như theo hợp đồng (phần lớn của các cơ quan chính quyền) thì khách hàng ngưng thuê máy. Và lương của bạn cũng xuống theo luôn. Và từ 1966 đến 1968 tôi phải quay như chong chóng làm cho 12 hệ thống chạy, và nhận một đồng lương cao nhất nước. Khi đoàn cán bộ khoa học miền Bắc vào Nam tham khảo thì họ rất ngạc nhiên tại sao lương tôi cao nhất nước như thế, rồi từ đó suy diễn ra là lương IT phải cao, nhưng họ hình như quên là chúng tôi làm việc như điên.
Bây giờ tôi chỉ cho bạn thấy là các hãng phần mềm (gián tiếp là dân IT) là những tay bóc lột siêu hạng. Nó như thế này: bạn thấy ở trên là IBM chỉ cho thuê máy, còn việc viết chương trình là free. Lúc này đại học chưa có chương trình đào tạo kỹ sư phần mềm. Ở VN, tôi đại diện IBM đứng dạy các lớp lập trình tại trường Lê Quý Đôn, và tại bộ tổng tham mưu của QĐVNCH, vào ban đêm. Nhưng qua 1980, máy vi tính bắt đầu xuất hiện, và các đại học ở Mỹ, và Pháp (ở Grenoble) bắt đầu đào tạo kỹ sư phần mềm (nhưng chất lượng không bằng IBM). Và lúc ấy thị phần tin học của IBM trên 60% thị trường, nên IBM bị Mỹ đặt dưới luật chống độc quyền. Vì IBM viết phần mềm miễn phí cho khách hàng nên kỹ sư tin học ở đại học không chỗ dụng võ, và những công ty viết phần mềm (như Microsoft chẳng hạn) không đất làm ăn. Luật Mỹ ra lệnh cho IBM unbundle, nghĩa là tách phần cứng khỏi phần mềm. Do đó xuất hiện các công ty phần cứng, và công ty phần mềm. Lúc này khách hàng mua máy tính vô hồn (chưa có phần mềm ứng dụng) như đi chợ không nghiên cứu, không phân tích các ứng dụng sẽ được sử dụng về sau. Hoàn toàn khác biệt so với cách làm của IBM. Do đó, ở VN, việc ứng dụng máy tính vào quản trị hoàn toàn thất bại. Người ta nói với nhau trong riêng tư, chứ chưa bao giờ dám nói ra sự thực trên báo chí. Và cũng là lúc các công ty phần mềm bắt đầu bóc lột khách hàng, vì khách hàng chưa có khả năng lập trình, cái máy tính mình mua vào chẳng khác nào "cái xác chết biết đi", nếu không có chương trình ứng dụng.
Bạn để ý là khi một hãng nào đó (dược phẩm, xe hơi, v.v..) cho ra một sản phẩm mới thì giá thành sản phẩm bao gồm chi phí nghiên cứu rất cao, tiền nguyên liệu hình thành sản phẩm, tiền lương công nhân, tiền quãng cáo, v.v.. Chi phí nghiên cứu bên phần mềm xem ra đâu có cao như người ta tưởng. Thường phần mềm là công trình của một cá nhân xuất sắc, một vài lập trình viên khác hỗ trợ chỉ là làm những việc vẽ rắn thêm chân. Việc nghiên cứu phần mềm chỉ cần một cái máy tính, làm việc đâu chã đựơc. Bạn có thể vác cái laptop vào cầu tiêu, vừa xổ bầu tâm sự, vừa lập trình thoãi mái. Ngược lại, muốn làm ra một chiếc xe hơi, bạn thấy biết bao nhiêu công đoạn, biết bao nhiêu nhân công, biết bao nhiêu linh kiện, v.v.. Còn tạo một đĩa phần mềm thì chỉ cần một cái máy sao chép, và một cái đĩa 1 đô. Bạn có thấy quãng cáo phần mềm trên TV không?. Nói tóm lại, các nhà sản xuất phần mềm có một chiến dịch tung hoả mù cho rằng viết phần mềm tiêu tốn rất cao, rốt cuộc người dùng ai cũng tin như thế. Và nhờ thế, phần lớn các nhà giàu trong danh sách Forbes ở Mỹ toàn là dân tin học, họ làm giàu với tốc độ nhanh kinh khủng. Do đó, tôi cho những tay sản xuất phần mềm là những tên bóc lột siêu hạng, nhưng rất hợp pháp. Nếu không có những sao chép lậu các phần mềm (VN ta đứng đầu trong vụ này) thì Bill Gates có lẽ càng giàu to hơn nữa. 
Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện. Tôi có một anh bạn X, dân IBM không di tản, thuộc nhóm SAMIS của tôi. Tôi giới thiệu anh ta qua xây hệ thống quản lý bệnh viện cho bệnh viện y dược tp HCM, với đồng lương hằng tháng vào khoãng 5-7 triệu gì đó. Vì là dân IBM được đào tạo bài bản, nên chỉ trong vòng một năm anh ta làm xong hệ thống sử dụng ngôn ngữ FoxPro. Anh ta điều hành hệ thống trong 3 năm kế tiếp, thì ông giám đốc bệnh viện, người tuyển anh X, về hưu. Giám đốc kế tiếp, muốn tỏ uy quyền, cho anh bạn tôi nghỉ việc, thay thế bởi cậu kỹ sư tin học trẻ chã biết chi về hệ thống cũng như ngôn ngữ. Và cũng muốn ra vẽ ta đây liền cho đổi cái này cái kia, thế là chuyện chi xảy ra có thể bạn đã biết. Anh bạn X của tôi, sau khi rời bệnh viện y dược liền đi bán sản phẩm của mình cho các bệnh viện khác, với giá không dưới 500 triệu. Thì một ngày nọ, một công ty phần mềm VN nổi tiếng Y đến gạ mua phần mềm của anh bạn X với giá 2 tỉ. Anh bạn hỏi người đại diện, bên công ty có kỹ sư nào biết viết FoxPro không. Anh đại diện bảo là không. Thế là anh bạn X từ chối bán. Bạn sẽ cho anh bạn tôi là gàn. Nhưng tôi biết anh bạn biết rõ công ty Y muốn mua phần mềm này rồi cho hủy luôn để khỏi có đối thủ cạnh tranh với phần mềm của mình, và một mình một cõi muốn bán cho khách hàng giá trời ơi nào chã được. 
Tới đây, tôi xin kết thúc câu chuyện của dân IT.

********************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét