Translate

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Một Số Kiến Thức Nhỏ

Bạn có biết ?

Con gián bị mất đầu có thể sống được đến 9 ngày và chúng chỉ chết vì đói.


Khi chúng ta áp sát tai vào vỏ con ốc, chúng ta tưởng như được nghe tiếng sóng biển nhưng thật ra đó là âm thanh của máu chúng ta đang lưu thông trong huyết quản được khuyếch đại. Sử dụng cái ly, tách hoặc một vật có hình dạng tương tự áp vào tai, chúng ta cũng sẽ thấy hiệu ứng tương tự.


Khi mới sinh ra, tất cả những đứa trẻ đều mù màu.


Nếu bị nhốt trong phòng kín, chúng ta sẽ chết vì nhiễm độc khí CO2 trước khi chết vì thiếu Oxy.


Nếu bị mù một mắt, chúng ta sẽ chỉ mất 1/5 thị lực mà thôi.


Khi bị sét đánh trúng, làn da của chúng ta bị đốt cháy ở nhiệt độ 28.000 độ C, khủng khiếp hơn cả nhiệt độ trên bề mặt của mặt trời.


Một người bình thường sẽ chết vì thiếu ngủ nhanh hơn so với chết vì đói. Chúng ta có thể nhịn đói vài tuần nhưng chỉ có thể cầm cự được không quá 10 ngày nếu thiếu ngủ.


Mỗi lần hắt hơi trái tim của chúng ta sẽ ngừng đập một giây.


Chim ruồi là loại sinh vật duy nhất có thể bay lùi.


Tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời đều quay ngược chiều kim đồng hồ, trừ sao Kim.


Những con tôm khi sinh ra đều là giống đực và sau đó chúng sẽ chuyển giới tính khi trưởng thành.


Cá heo không bao giờ uống nước, số lượng nước cần thiết cho cơ thể của chúng là qua thức ăn. Nếu uống nước biển chúng sẽ bệnh hoặc chết.


Lông con gấu trắng Bắc Cực không trắng như chúng ta nhìn thấy mà là trong suốt, chúng có thể đổi màu tùy theo điều kiện thời tiết.


Mắt của con đà điểu lớn hơn não của chúng.


Lạc đà có ba mí mắt.


Khi một người còn sống, não có màu hồng, khi chết đi não sẽ chuyển thành màu xám.


Nguồn : Internet

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Thờ Cúng Tổ Tiên Của Người Việt

     
 I/ - DẪN NHẬP:
     Người Việt Nam vốn là một dân tộc đa sầu đa cảm, sống nội tâm, xem trọng lễ nghĩa và tình thân gia tộc. Người Việt có khuynh hướng tìm về quá khứ nên thường hay nuối tiếc dĩ vãng, tiếc thương những gì đã mất và lưu giữ mãi tình cảm đối với ông bà cha mẹ đã khuất. Vì thế, người Việt giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và trong công việc thường thiên về cảm tính hơn lý trí. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một trong những đức tính đáng quí của dân tộc Việt. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời dựa trên cơ sở này và được đa số người Việt xem gần như một tôn giáo, gọi là đạo thờ cúng ông bà.
    II/- NGUỒN GỐC: 
   Người ta không thể xác định được thời gian xuất hiện của tập tục thờ cúng tổ tiên, nhưng tục lệ này đã được duy trì và truyền đời trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có thể xuất phát từ hai nguồn gốc: Tô-tem giáo và Nho giáo. 

         1/ - Nguồn gốc Tô-tem giáo:

 Tô-tem giáo là một tín ngưỡng của người nguyên thủy, hình thành trong bối cảnh xã hội còn hoang sơ. Vào thời kỳ này, loài người còn sơ khai, những kiến thức về thế giới khách quan chưa nhiều; người nguyên thủy chưa đủ tri thức để nhận biết sự khác biệt giữa mình với các loài động, thực vật khác trong thiên nhiên. Họ mưu sinh bằng những phương thức thô sơ như săn bắt thú rừng, nhặt hoặc hái quả trên cây để ăn. Sự non nớt trong nhận thức này đã đưa con người đến một khái niệm rất sai lầm về nguồn gốc của mình, họ nghĩ rằng mình có quan hệ huyết thống với một loài động, thực vật nào đó và xem chúng như tổ tiên của mình và thờ cúng động, thực vật ấy. Đây là hình thức thờ vật tổ.
     Bắt nguồn từ nhận thức lầm lạc trên, tôn giáo của xã hội thị tộc bộ lạc ra đời, đó là Tô-tem giáo. Mỗi thị tộc bộ lạc, tùy theo quan điểm riêng, thờ cúng một loại động, thực vật khác nhau. Ví dụ: vật tổ của người Việt cổ là chim Lạc (còn có tên là chim Mê linh) và Giao Long (một loài thủy quái); vật tổ của người Hán là con rắn (long); Vật tổ của người La Mã và người Liêu là chó sói,… v.v. Tuy rằng mỗi thị tộc bộ lạc đều có các đối tượng thờ cúng khác nhau nhưng tất cả đều trong cùng một ý niệm thờ vật tổ. Tô-tem giáo là hình thức điển hình cho tôn giáo nguyên thủy. Trong Tô-tem giáo, người ta tin rằng linh hồn người chết tồn tại trong một thế giới khác và cũng sinh hoạt như người sống nên họ cũng cần dùng những vật dụng như của người sống. Do đó khi một người trong gia đình chết đi thì họ sẽ được chia phần tài sản của mình để mang theo như những vật dụng và đồ dùng cá nhân. Những thứ đồ dùng này có thể được để cạnh mộ phần của người chết hoặc chôn xuống đất.
     
  2 - Nguồn gốc Nho giáo:

      Do dân tộc Việt hình thành trong một khu vực địa lý đặc biệt, nằm giữa miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung quốc, nên từ xa xưa người Việt đã thấm nhuần tư tưởng thánh hiền của Trung Quốc và chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo.  Khổng Tử, một nhà hiền triết của Trung quốc, hệ thống hóa và phát huy học thuyết của Nho gia, lập ra những qui tắc để răn dạy người đời học biết cách sống phù hợp với luân thường đạo lý trong xã hội, từ đó hình thành nên một tôn giáo gọi là Khổng giáo. Triết lý về xử thế, giáo dục đạo đức con người được Khổng Tử xem như phần quan trọng nhất. Chữ “hiếu” trong đạo “nhân” của Khổng Tử được đặt làm nền móng cho học thuyết này. Đối với cha, mẹ và anh chị em, Khổng Tử quan niệm ta phải kính yêu, vì họ là những người thân cận gần gũi nhất của chúng ta. Đối với tha nhân, chúng ta lấy lòng từ ái, khoan nhượng mà đối xử với nhau. Đạo làm người trong Khổng Giáo lấy việc hiếu thuận làm đầu và khởi sự với hai từ: “Yêu” và “kính”. Khởi đầu là kính yêu cha mẹ, kính nể huynh trưởng của mình. Một người được gọi là hiếu khi người ấy biết chăm lo cho song thân mình khi người còn tại thế, chăm sóc phần mộ và cúng tế khi người qua đời.
 Từ quan niệm hiếu trong Khổng giáo, người Việt tiếp nhận và thể hiện qua cái bàn thờ tổ tiên. Người Việt cô đơn, nhỏ bé trong vũ trụ bao la, khiếp sợ trước sức mạnh của thiên nhiên, nên tìm cầu một Đấng Thần linh để mong nhờ sự che chở bảo vệ. Nhưng vì tầm nhìn bị giới hạn trong thể xác vật lý, loài người lại còn đang trong giai đoạn sơ khai, trí óc chưa phát triển, mắt vật lý của loài người không thể nhìn thấy được những gì khác hơn ngoài khoảng không gian bao la vây phủ chung quanh mình. Nhìn lên trên, chỉ thấy bầu trời cao vời vợi; nhìn xuống chân, cũng chỉ thấy được mặt đất mênh mông. Lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo, nên người Việt chọn cách gửi gắm tâm tư tình cảm và sự trông cậy của mình vào ông bà cha mẹ đã khuất và mong chờ ở họ sự phù hộ độ trì qua việc thờ cúng tổ tiên.
    Do ảnh hưởng của Khổng giáo, người Việt xem chữ “hiếu” như là một chuẩn mực đạo đức và là một nguyên tắc trong đạo lý làm người. Trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau, người Việt đã thể hiện việc hiếu đạo thành một tập tục gọi là thờ cúng tổ tiên.
    Xã hội Việt Nam là một xã hội theo chế độ thị tộc phụ quyền; vai trò của người đàn ông chiếm giữ vị trí quan trọng trong gia đình, điều này thể hiện rõ nét trong đại đa số các gia đình của người Việt theo Nho học. Mặc dù xã hội đã tiến bộ hơn trước rất nhiều, khẩu hiệu “nam nữ bình quyền” thường xuyên được nhắc đến. Nhưng trong thực tế, tại Việt nam, trong gia đình, cũng như ngoài xã hội, người đàn ông vẫn chiếm giữ được nhiều ưu thế hơn người phụ nữ. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn bàng bạc trong xã hội Việt Nam: đa số người Việt đều vẫn chuộng có con trai để nối dõi tông đường vì con gái bị cho là “nữ sanh ngoại tộc”. Người con trai trưởng mang họ cha sẽ là người kế tục sự nghiệp của cha ông để lại, được thừa hưởng phần tài sản gọi là hương hỏa, kèm theo trách nhiệm duy trì và tiếp nối tập tục thờ cúng tổ tiên của dòng họ. Đối với những gia đình có truyền thống Nho học, quyền hạn của người trưởng tộc, người chủ gia đình hay con trưởng nam rất được tôn trọng. Tất cả những thành viên trong gia đình có bổn phận phục tùng và chấp hành những quyết định của người trưởng tộc hay người chủ gia đình hoặc của người con trai trưởng. Sự tùng phục này khắc sâu trong tâm khảm của người Việt, vì thế tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt cứ như thế mà lưu truyền từ đời này sang đời khác.
    Trải qua nhiều thế hệ, người Việt hệ thống hóa dần dần tập tục thờ cúng tổ tiên và xem tập tục này gần như là một tôn giáo. Đa số người Việt, nếu không có tôn giáo nào khác, đều tự nhận rằng mình theo đạo thờ cúng ông bà!
     III/ - ƯU KHUYẾT ĐIỂM: 
    Khổng tử dạy hiếu thuận với mục đích giúp người ta tu sửa tâm tính ngay thẳng, trung thực, hoàn toàn không mang ý nghĩa thần thánh hóa tổ tiên của mình và thờ cúng như thờ một vị Thần linh. Người Việt ta đã gắn thêm ý nghĩa “thần thánh” cho tổ tiên để khấn vái, cầu tự khi ông bà cha mẹ qua đời. Ý niệm “thờ cha mẹ” trong việc dạy hiếu đạo của Khổng Giáo hàm ý phục tùng, nhưng phục tùng theo lẽ phải chứ không phải phục tùng một cách mù quáng không phân biệt đúng sai! Thờ một cách hợp lý, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi người: “Xứng gia chi hữu vô” (có nghĩa là vừa sức nhà giàu nhà nghèo mà làm cho hợp lý). Lấy lễ thờ cha mẹ không có nghĩa là phải lập cái bàn thờ như xây cái nhà riêng cho cha mẹ đã quá cố và phải cơm dưng nước rót hàng ngày hoặc thực hiện cả những ý muốn sai quấy của cha mẹ lúc ông bà còn tại thế. Nếu cha mẹ làm điều sai trái, thì phải biết can ngăn trong khuôn phép của một người con để giúp cha mẹ nhận ra điều lầm lạc mà hướng trở về điều phải. Việc làm này nhằm mục đích bảo toàn thanh danh cho cha mẹ, đấy mới thật sự là hiếu! Người có hiếu là người biết nối tiếp chí hướng của ông cha , biết tiếp nhận cơ nghiệp của ông bà cha mẹ đã gầy dựng để phát huy những mặt ưu và cũng để duy trì danh tiếng cho ông bà cha mẹ, những mặt tồn tại yếu kém cần loại bỏ và thay thế, không phải cứ lưu giữ mãi tất cả những gì cha ông để lại bất luận hay, dở, tốt, xấu mới gọi là hiếu đạo.
   Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ ý muốn thực hiện lời dạy dỗ của Khổng Tử, lấy chữ “hiếu” làm đầu, nhưng lại bị biến hóa thành hủ tục rườm rà, phiền toái đánh mất đi sự giản dị và trong sáng của việc thể hiện việc hiếu đạo. Câu nói: “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi giã” của Khổng tử nghĩa là: kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc đã chết như khi đang còn sống, lúc mất rồi cũng như lúc hãy còn, ấy là hiếu đến rất mực vậy (Trung dung). Người Việt đã hiểu sai nghĩa câu ”Sự tự như sự sinh, sự vong như sự tồn” mà xem tổ tiên, ông bà cha mẹ như những người sống có thể xác vật lý thực sự, lại còn thần thánh hóa ông bà cha mẹ mình để mong cầu sự độ trì! Khổng Giáo không nói xem người chết như người sống theo nghĩa đen, có nghĩa là họ cũng cần ăn, cần uống và cũng có nhu cầu sinh hoạt như người sống! Chữ “thờ cha mẹ” trong Khổng Giáo chỉ có ý nghĩa: Yêu và Kính. Nếu chúng ta có yêu và kính cha mẹ chúng ta, từ đó chúng ta cũng sẽ phải yêu mến và tôn trọng những người cha mẹ chúng ta đã yêu mến và tôn trọng, cho dù cha mẹ chúng ta đã không còn hiện diện trên thế gian nữa. Đấy mới là ý nghĩa thực của “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Ấy mới thật sự là hiếu! 
    Bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình người Việt luôn được đặt tại một vị trí trang trọng giữa nhà, đó cũng là nơi để linh hồn người quá cố trú ngụ và cũng là nơi để người sống duy trì mối liên lạc với người chết. Ông bà cha mẹ dù đã khuất bóng vẫn được người sống dành cho những đặc quyền như khi còn sống. Vào những ngày lễ trọng đại trong năm như ngày đầu năm mới (Tết), ngày sinh, ngày mất (gọi là kỵ nhật), v.v. hoặc mỗi khi trong thân tộc xảy ra những sự việc trọng đại, người Việt đều không quên việc thắp hương để mời gọi ông bà tổ tiên về chứng giám cùng dự với con cháu cho ấm nhà. Như trong việc cưới xin, khi con dâu mới, hoặc con rể mới đến nhập gia, đều phải đến trước bàn thờ làm lễ Gia tiên để ra mắt tổ tiên. Lễ Gia tiên là một thủ tục bắt buộc phải có trong những đám cưới, gả của hầu hết những gia đình người Việt. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt chứng tỏ dân tộc Việt là một dân tộc đặc biệt mang trong máu một thứ tình cảm sâu sắc và bền chặt đối với những người thân quá cố của mình mà ta không thể tìm thấy ở các dân tộc châu Âu. Tập tục này thể hiện được tính nhân văn của dân tộc Việt, những người đã khuất không bị lãng quên trong tâm tưởng của những người còn lại. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng còn có mặt ưu là duy trì được tình thân trong quan hệ thân tộc. Những ngày lễ, ngày tết hoặc ngày kỹ niệm một người thân qua đời, là những dịp để con cháu ở các nơi khác hội tụ lại, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình, đồng thời thăm nom an ủi những ông bà cha mẹ còn sống. Đây là một việc làm thiết thực và cao quý nhất trong việc thể hiện chữ hiếu của một dân tộc giàu tình cảm như người Việt.
    Song song với những mặt ưu, vẫn có những mặt khuyết như: Xem người chết như những vị thần bảo hộ, che chở cho mình và đặt ra những hình thức cúng bái lễ lạc rườm rà đượm mùi mê tín. Đây là một một ý niệm hư ảo hoang đường và phản khoa học. Người sống có thể xác vật lý nên có nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt. Người sống cần tiền để trang trải cho những chi phí trong sinh hoạt thường nhật. Người chết không có sự sống nên xác thân phải bị thối rữa để trở về với cát bụi. Thể còn lại chỉ là linh khí, không ăn, không uống, không nói, không cười, không biểu lộ được cảm xúc, và cũng không sinh hoạt hành động như người sống. Như thế thì người chết có năng lực gì để phò hộ độ trì cho con cháu? Nếu chúng ta tin rằng tất cả những người sau khi chết đều biến thành thần và còn có khả năng che chở bảo hộ cho con cháu, thì tại sao người ta lại khiếp sợ khi phải đối mặt với cái chết? Dù ai cũng biết rằng, theo quy luật sinh tử, đích đến cuối cùng của cuộc đời mỗi con người sẽ là cái chết, nhưng ai ai cũng đều muốn sống và sợ chết! Nếu biết chết mà thành thần và có quyền phép độ trì cho con cháu thì, tại sao người ta lại sợ chết?
    Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt tuy có mặt tích cực về phương diện đạo đức làm người và là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt, nhưng nếu ta hiểu và thực hiện sai ý nghĩa mục đích thì sẽ trở thành một tập tục mê tín, huyễn hoặc, khi tin rằng tổ tiên đã chết có quyền lực che chở phù hộ cho con cháu. Tập tục này cũng gây nhiều khó khăn và tốn hao tiền của, công sức của con cháu. Vì trong thực tế, trong một xã hội văn minh như hiện nay, ai ai cũng đều hiểu người chết không thể về ăn những mâm cỗ cúng của con cháu. Làm giỗ cũng có khi chỉ là để “trả nợ miệng” cho nhau và cũng để không bị miệng đời đàm tiếu cho rằng con cháu bất hiếu để cho ông bà tổ tiên phải đói lạnh! Việc cúng giỗ, đôi khi cũng phát sinh thêm những sự việc ngoài ý muốn gây buồn phiền cho ông bà cha mẹ (nếu tin rằng ông bà tổ tiên thực sự có về chứng giám) như: quá chén trong khi ăn uống sinh ra cải vã làm mất hòa khí, dẫn đến những hành vi mất tự chủ như: đánh nhau, chém giết nhau, v.v. Những việc bất kính như thế chỉ gây thêm phần tủi hổ cho vong linh của ông bà tổ tiên mà thôi.
    Ngoài ra, người ta còn chế tác những món đồ hàng giả rất tinh vi, có hình thức và kích thước trông giống thật như: máy bay, xe máy, nhà lầu, biệt thự sân vườn, ô tô,… v.v. Những đồ hàng giả này có giá trị thật rất lớn gọi là hàng mã, dùng để đốt theo người chết như người ta vẫn tin là cho người thân mang theo xuống âm phủ để sử dụng (gọi là hóa vàng)! Việc làm này chỉ có ý nghĩa về mặt tâm lý nhưng lại vô bổ và lãng phí, lại còn có khi mang thêm tội bất kính với ông bà tổ tiên, vì chúng ta đã lừa đảo họ bằng những món đồ hàng giả. Như thế là xem khinh ông bà tổ tiên của mình là “ma”, vì là “ma” nên chỉ được xài đồ giả! Người ta cũng in ra các loại giấy tiền đô la Mỹ giả, tiền giấy giả mẫu mã trông như tờ tiền thật (gọi là tiền âm phủ) cùng với những tờ giấy màu vàng và màu bạc, tượng trưng cho vàng và bạc thật, để đốt cho người chết mang theo xuống âm phủ tiêu xài và cũng để mang rãi dọc theo trên đường đưa tang với mục đích là hối lộ cho những ma cũ để người thân của mình là ma mới xuống nơi ở mới không bị hiếp đáp. Những việc làm này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm mất vệ sinh đường phố, thêm công thêm việc cho những công nhân vệ sinh! Hơn nữa việc làm này lại còn rất phi lý vì mang tiền thật đem đổi lấy tiền giả chỉ để bỏ đi! vì trong thực tế ai cũng biết người chết không mang theo được gì cả. 
    Bên cạnh những nghi thức cúng bái cầu kỳ, rườm rà với đủ thứ hình thức lễ lạc gây tổn phí cho con cháu, một số gia đình ở các địa phương còn đua nhau việc trùng tu mồ mả ông bà với qui mô như một lăng tẩm với chi phí rất lớn. Việc làm này, chẳng những không nhận được sự đồng tình của nhiều người mà còn bị tiếng đời mỉa mai chê trách, cho rằng đây là một hình thức phô trương! Vừa lãng phí tiền của và công sức của con cháu, vừa phí phạm nhiều diện tích đất, đáng lẽ ra chỉ nên sử dụng cho những mục đích hữu ích và thực tế hơn. 
   Những hủ tục vừa kể trên được truyền đời trải qua nhiều thế hệ, thế hệ sau cứ tiếp nối những thế hệ đi trước mà làm theo. Thực chất, thờ cúng tổ tiên không thể được xem là một tôn giáo, mà đây chỉ là một loại hình tín ngưỡng dân gian, bắt nguồn từ sự thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu đối với ông bà, cha mẹ tổ tiên, cụ kỵ đã khuất. Tôn giáo hoạt động trên lỉnh vực tâm linh, lấy đức tin làm chính và đối tượng của tôn giáo là Thần linh.
    Hậu quả của việc lầm lẫn xem tập tục thờ cúng tổ tiên gần như một tôn giáo đã đưa tâm trí người Việt tiến dần đến ảo tưởng: tổ tiên có quyền lực trừng phạt hay độ trì cho con cháu. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt tuy rằng thể hiện được tính ưu việt, tuy nhiên cũng phản ảnh sự khiếm khuyết về mặt tinh thần, sự bất an trong cuộc sống, nỗi sợ hãi thiên nhiên của con người. Hơn nữa, tập tục này cũng gây nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt, vì con cháu bị áp lực phải duy trì và tuân thủ nhiều hủ tục không còn thích hợp trong thời đại công nghệ khoa học hiện đại.
   IV/ - CHỮ HIẾU TRONG NIỀM TIN CƠ ĐỐC:
      Mạng lịnh của Đức Chúa Trời ban hành cho loài người qui định trong điều răn thứ năm trong Kinh thánh Cựu ước của Cơ đốc giáo và là điều răn duy nhất có lời hứa kèm theo: Được sống lâu và có phước trên đất. “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có phán dặn, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Phục-Truyền-Luật-Lê-Ký 5:16)
 Đức Chúa Trời cũng dạy con cái phải tôn kính và vâng phục cha mẹ mình: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6:1–3) “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Cô-lô-se 3:20)
 Vì loài người là từ bụi đất mà ra, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế-ký 2:7)
 Vì thế sau khi chết đi, thể xác hư hoại và lại trở về với bụi đất như Đức Chúa Trời đã phán: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”(Sáng-thế-ký 3:19)
 Kinh thánh mạc khải cho chúng ta biết, tổ tiên thực sự của loài người do Đức Chúa Trời tạo dựng nên từ tình yêu của Ngài. Như vậy, tất cả loài người đều có cùng chung một tổ tiên cao nhất, là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ: Đó chính là Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Giáo. “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. (Sáng-thế-ký 1:27) 
 Vì Đức Chúa Trời là Đấng Thần linh, vì thế thờ Chúa không lập bàn thờ do tay người làm ra mà phải lấy tấm lòng của mình làm bàn thờ cho Chúa: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24) 
 Và chỉ thờ duy nhất một Đấng Thần linh là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Phục-Truyền-Luật-Lệ-Ký 5:7)
 Vì những điều vừa nêu trên Cơ đốc nhân bày tỏ tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ qua những việc làm cụ thể như sau:
     - Hướng dẫn ông bà cha mẹ biết hướng niềm tin về Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời và chỉ thờ lạy Ngài, vì chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có đủ quyền phép để phù hộ che chở và ban bố cho mình những điều mình cầu xin, đồng thời ý thức được mình đang là một tội nhân cần ơn cứu rỗi của Đức Chúa Giê-su để linh hồn được cứu. 
    - Quan tâm chăm sóc về thể xác và tinh thần cho ông bà cha mẹ khi họ còn sống. 
    - Đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống cho ông bà cha mẹ theo khả năng của mình. 
    - Khi ông bà cha mẹ qua đời, lo việc hậu sự cho ông bà cha mẹ chu đáo, chăm sóc mộ phần để phát hiện những hư hỏng và sửa chửa kịp thời. 
    - Thực hiện một nếp sống đạo đức tốt đẹp để lưu danh tiếng tốt cho ông bà cha mẹ. 
    - Tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ đã khuất qua việc hàng ngày đừng quên cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tha thứ cho những tội lỗi mà ông bà cha mẹ mình chưa nhận biết khi còn tại thế và cầu xin cho ông bà cha mẹ mình được yên nghỉ trong Chúa. 
      V/ - KẾT LUẬN: 
     Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, xuất phát từ tình cảm thương yêu nuối tiếc những người thân đã mất. Đây là một truyền thống tốt đẹp và cao quý của dân tộc Việt, rất đáng trân trọng và cần lưu giữ. Tuy nhiên, niềm tin vong hồn người chết còn hiện hữu quanh quẩn trên mặt đất để phò hộ độ trì cho con cháu chỉ là một ảo tưởng, rất sai lầm, niềm tin này đã khiến cho người Việt trở nên mơ hồ và lầm lạc trong hư không. Ông bà cha mẹ của chúng ta cũng đều chỉ là những vật thọ tạo của Đấng Tạo Hóa, “bị” chúng ta gắn cho cái “danh hiệu” THẦN để thờ tự cầu vấn, điều này có hợp lý không? Niềm tin tưởng này vô căn cứ và phản khoa học, không phù hợp với một xã hội đang trên đà phát triển để có một nền công nghệ và khoa học kỹ thuật hiện đại như nước Việt Nam của chúng ta hiện nay.
 Hoa Thiên Lý 
 Tài liệu tham khảo 
1 -  anhhaoquang - “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên” http://www.vanhoaphuongdong.com 
2 - thongconghanoi - “Người tin Chúa với phong tục thờ cúng tổ tiên của người VN” http://thongconghanoi.wordpress.com 
3 - Trần Trọng Kim - ”Sự giáo hóa của Khổng giáo” - Nho Giáo, trang 98 - 109 (1971) 
4 - Wikipedia

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Những Loài Hoa Kỳ Lạ


Bạn có tin rằng cấu trúc lạ lùng của những loài hoa như dưới đây hình thành từ sự ngẫu nhiên không?



Gọi là hoa vịt (Caleana major), vì hình dáng của nó trông giống như con vịt đang bay, thuộc loại phong lan nhỏ cao khoảng 50 cm, mọc nhiều ở miền Đông và miền Nam Australia.



Hoa này có mặt trông như mặt con khỉ, mọc trong những khu rừng tối và rậm ở Peru và phía Đông Nam Ecuador ở độ cao 1000 - 2000 m. Tên khoa học của nó là Dracula simia. Simia có nghĩa là mặt khỉ.


Tên khoa học là Bee Orchid Ophrys apifera, mang khuôn mặt vui vẻ giống như con ong đang cười, mọc nhiều nơi ở miền nam nước Anh. Có thể mọc trên đá vôi, mọc ven lề đường, đồng cỏ...v/v. Cây có chiều cao 30 cm.



Đây là quốc hoa của cộng hòa Panama. Loài hoa này cất giấu bên trong nó hình dáng của một con chim bồ câu, vì thế gọi là hoa bồ câu. Loài hoa này mọc khắp vùng Trung Mỹ đến Ecuador và Venezuala và đang nằm trên bờ vực tuyệt chủng.



Gọi là hoa Thạch Lan vì khi hoa chưa nở, chúng trông giống những viên sỏi, đá ẩn mình vào môi trường xung quanh.

Và đây là hoa Thạch lan khi nở.



 Hoa môi có tên khoa học là Psychotria Elata, thuộc giống Psychotria. Thường mọc ở khu vực Costa Rica, địa bàn sinh sống của chúng còn mở rộng ra các quốc gia lân cận như Colombia, Ecuador, Panama…


Được biết đến với một cái tên khác là hoa bướm hồng, giống hoa này trông như thể nó có một đầu con chim đang bảo bệ mật hoa. Hình dạng bông hoa cũng trông y hệt một con chim non bị rơi vào hoa và mắc kẹt tại đó.

Trích nguồn : kienthuc.net