Translate

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

TẠI SAO QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA KÉM PHÁT TRIỂN?



Tại sao quê hương chúng ta kém phát triển
Lê Anh Huy

Mỗi khi tết âm lịch đến, nhiều gia đình Việt Nam chưng bánh trái trong nhà để đón năm mới. Có ba loại trái cây thường được chưng bày. Đó là trái dừa, trái đu đủ và trái xoài, gọp lại là “dừa, đủ, xoài.” “Dừa” là âm của một địa phương khi nói chữ “vừa,” và “xài” khi nói chữ “xoài.” Như vậy, “dừa, đủ, xoài” là âm địa phương cho cụm chữ “vừa đủ xài.” Vì thế, khi chưng bày “dừa, đủ, xoài” người ta ao uớc rằng trong năm mới, họ không mong muốn giàu có gì hơn là chỉ đủ ăn. Thật ra, đủ ăn không phải là điều đương nhiên có. Sau sự Sa Ngã của tổ phụ loài người, đất đã bị rủa sả và vì thế chúng ta phải đổ mồi hôi hột mới kiếm ra miếng cơm.
Càng ngày, tài nguyên thế giới càng cạn; dân số thế giới lại càng tăng; tình trạng đói kém càng ngày càng nghiệt ngã. Cư dân tại nhiều nơi trên thế giới không có cả nước sạch để uống, không khí sạch để thở, khoan nói tới miếng cơm để no bụng. Do đó, loài người nói chung không thể làm gì khác hơn là phải thoả mãn với những gì mình có. Sự thoả lòng trong tiếng Anh gọi là content, là một chữ được dùng để diễn tả một phạm trù mà biên giới khó có thể phân định rõ ràng. Content là “bà con” của một chữ mà chúng ta cũng hay thấy; đó là complacent. Complacent cũng là thoả mãn nhưng thoả mãn loại complacent (2) khác với thoả mãn loại content (1). Loại (1) là sự thoả lòng với những gì mình có, không sống chết để đi kiếm thêm để thoả mãn nhục dục. Loại (2) là sự thoả mãn biếng nhác, không muốn cầu tiến. Hai loại thoả mãn này có phần chung nhau, nhưng chúng cũng có phần riêng đủ để cho chúng ta thấy sự khác biệt. Như vậy, “dừa đủ xoài” thuộc loại thoả mãn nào?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy có một cái nhìn khách quan vào đất nước và con người Việt Nam.
 Việt Nam là một đất nước nghèo, không có kỹ nghệ gì đáng kể. Người Việt Nam chỉ buôn bán nhỏ, không có một phát minh nào, không có một công trình văn hoá có hạng nào để có thể chưng bày ra thế giới. Người Việt chỉ có hai điều để tự hào:
Đổ máu để bảo vệ và mở mang bờ cõi và là con rồng cháu tiên. Điều hãnh diện thứ hai đặt trên cơ sở của một truyện tưởng tượng nên không có giá trị thực tế gì. Điều hãnh diện thứ nhất là một thực tế đáng được cảm phục: Trong lịch sử bốn ngàn năm của Việt Nam, chúng ta đã chống nhiều cuộc xâm luợc của những dân tộc đông hơn và mạnh hơn chúng ta cả trăm cả ngàn lần.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của một dân tộc không nằm ở máu mà ở cái đầu và hai bàn tay. Một dân tộc đi đầu có một nền văn học sáng danh, một nền tư tưởng thâm sâu, có một hệ thống chữ viết chính xác và súc tích, một nền khoa học tân tiến, một quan hệ nhân đạo giữa người và người. Nếu dựa vào những tiêu chuẩn này, thì Việt Nam không có cái gì thật sự là của mình, do mình phát minh, do mình chế tạo, ngoại trừ các khí cụ bằng đồng như trống đồng Ngọc Lũ thuộc nền văn minh Đông Sơn (khoảng 3.000-2.000 TCN). Tất cả những điều khác như chữ Nôm, đền đài, lăng tẩm, hệ thống thi cử thời vua chúa, hệ thống quan lại, lễ nghi
Trống đồng Ngọc Lũ thuộc văn minh Đông Sơn—phát minh duy nhất của Việt Nam
trong cung vua, chữ quốc ngữ, tư tưởng văn chương, tôn giáo, ngay cả các điều mê tín, trang phục, nông nghiệp, công nghiệp, thương mãi, ngay cả chính trị  (cái gọi là  “kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội” được sao chép từ chính sách của Đặng Tiểu Bình, một lãnh tụ cộng sản Trung Hoa), v.v. là từ người Trung Hoa, hay các dân tộc khác. Ngay cả truyện Kim Vân Kiều, là một tác phẩm văn chương có giá trị nhất theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng được dựa theo một truyện Trung Hoa gọi là Tây Minh; các nhân vật trong Kiều cũng mang nét Trung Hoa; tư tưởng nền của Kiều là tam giáo, cũng du nhập từ Trung Hoa. Nhưng một tác phẩm văn chương có giá trị trước hết phải nguyên thủy. Tính nguyên thủy của một tác phẩm là tư tưởng của tác phẩm đó phải là mới tinh, chưa có ai viết tới. Tư tưởng của truyện Kiều không nguyên thủy. Nhưng, cái mới của tác phẩm này là ngữ thuật. Thí dụ: Trước khi truyện Kiều ra đời, không ai biết ghen như thế nào là ghen dữ dội. Nhưng bây giờ, mỗi lần chúng ta nói “ghen hoạn thư” là người khác biết ghen như thế nào! Nếu cho rằng một tác phẩm tầm vóc là một tác phẩm có thuật ngữ xuất chúng, thì Thánh Kinh là một tác phẩm tồi, vì văn chương Thánh Kinh có nhiều đoạn có vẻ ngây ngô, cục mịch. Nhưng Thánh Kinh đứng vững qua hàng ngàn năm không phải vì văn chương phong phú (mặc dù Thánh Kinh vẫn phong phú về mặt văn chương) mà vì chân lý tích chứa trong từng lời. Do đó, tử tưởng của một tác phẩm phải là nền tảng cho tác phẩm đó, và văn chương chỉ là thượng tầng kiến trúc. Không may cho dân tộc Việt Nam, sau phong trào Tự Lực Văn Đoàn, không có một cuộc cách mạng văn chương nào hết để vun xới chữ viết của Việt Nam, vì đại đa số người Việt cho rằng tiếng Việt “đủ xoài” rồi, đã quá “phong phú” rồi! Thực tế thì càng ngày càng có nhiều ngành nghiên cứu mới hình thành; mỗi ngành có một hệ thống ngữ vựng riêng, trong khi đó tiếng Việt không đủ để diễn đạt các chiều sâu của tư tưởng. Thậm chí trong các cuộc đàm thoại hàng ngày trong đời sống văn minh tin học này, tiếng Việt cũng rất thiếu thốn. Vì thiếu chữ, nên nghĩa không chính xác. Sự kém chính xác đưa đến hiểu lầm. Trong các lãnh vực nghiên cứu khoa học, chữ nghĩa thiếu chính xác không thể nào trang bị cho học sinh một kiến thức vững chắc để họ ra đời.
Thói quen bắt chước thay vì sáng tạo của người Việt theo tác giả đi từ tinh thần “dừa đủ xoài” theo khía cạnh xấu. Vì chỉ muốn đủ để xài thôi nên chúng ta không ráng sức để tự mình tiến tới sự hoàn chỉnh. Chúng ta bắt chước không phải vì chúng ta khiêm nhường (vì người Việt là một dân tộc kiêu ngạo), nhưng bắt chước để khỏi động não. Người Việt ham đi học không phải để tìm chân lý, nhưng để kiếm “gióp,” để “vinh thân phì gia,” để “tối ruợu sâm-banh sáng sữa bò.” Người học trò nghèo chong đèn ngồi học trong đêm để cố đổ trạng, chứ không phải để ráng sức tìm ra lời giải đáp cho một vấn đề khó khăn. Khi thi đổ rồi thì “võng anh đi trước võng nàng theo sau” chứ không tiếp tục đi tiếp trong con đường nghiên cứu nữa. Trong văn chương bác học và cả văn chương bình dân của Việt Nam, ít có chỗ nào, nếu không nói là không có chỗ nào, nói tới việc đi học để khám phá chân lý. Chân lý không nằm lồ lộ trên mặt đất để mọi người tới luợm về xài, nhưng nó được che dấu trong vũ trụ, mà loài người phải nhọc công đào bới mới có. Tỉ dụ tin liệu về vật sống được che dấu trong DNA mà loài người phải miệt mài nghiên cứu để tìm ra. Nếu sợ động não, chắc hẵn chúng ta sẽ chọn một con đường dễ dàng. Đó là lấy công trình của người khác, sửa chữa lại một chút để đủ xài cho mình.
Chúng ta cần nhấn mạnh rằng, thoả lòng về mặt vật chất là điều Thánh Kinh dạy: “Và nếu chúng ta có thức ăn và việc che đậy, với những cái nầy chúng ta sẽ phải thoả lòng. Song những kẻ muốn được giàu có sa vào sự cám dỗ và cái bẫy và nhiều sự tham muốn có hại và ngu dại, nó làm người ta đắm vào sự tiêu tan và sự phá hủy“(TKTC 1Tmt 6.8, 9). Nhưng khi một người thoả mãn với tình trạng thiếu thốn của mình mà không chịu tìm tòi nữa, thì chúng ta không là content mà là complacent.
Nếu chúng ta chạy theo chân lý, thì chúng ta không nhìn vào con người đang nói một điều, mà chúng ta xem điều được nói đó có đúng không. Người theo đuổi chân lý không chú trọng người nói là đàn ông hay đàn bà, là người lớn hay con nít, là người cao trọng hay người thấp hèn, là người giàu hay người nghèo, là người khoẻ mạnh hay người đang bịnh, nhưng phán xét điều người đó nói xem có đúng với Thánh Kinh không. Người đuổi theo chân lý không sợ bề dày của thời gian; điều được tin cả ngàn năm rồi cũng được xem xét trên một cơ sở bình đẳng với điều mới được nói. Người chạy theo chân lý dám thách thức truyền thống nếu nó đi ngược lại chân lý. Người chạy theo chân lý không bợ đỡ tiền nhân, (tức là cái gì “cụ” nói đều đúng cả!), nhưng là người biết đứng trên vai tiền nhân (tức là biết dùng công trình của tiền nhân một cách biết ơn) để vươn tới chân lý.
Người chạy theo chân lý sẽ gặp Đức Chúa Giê-su vì Ngài là Chân Lý. Người chỉ thích làm “điều tốt” sẽ bị chủ nghĩa duy luật trong tôn giáo bắt tù. Người nào yêu tự do thì yêu chân lý và Chân Lý [1], vì Chân Lý giải phóng con người (TKTC Gn 8.32), giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi, của sự u tối, của sự áp bức của giáo điều tôn giáo.
Ghi chú:
1- “Chân Lý” là Đức Chúa Giê-su, còn chân lý là những sự thật trong đời sống, trong vũ trụ chung quanh ta.
Nguồn : hoptinhhoply.net 

*************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét