Translate

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Tại Sao Đạo Tin Lành Không Phát Triển ở Việt Nam?



I/ -Nguồn gốc dân tộc Việt :
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân là thần rồng, con vua Kinh Dương Vương và Long nữ. Lạc long Quân lấy bà Âu Cơ là tiên con vua Đế Lai đẻ ra một cái bọc có 100 trứng nở ra 100 người con. con trưởng của hai người nối ngôi cha trị vị nước Xích Quỷ dưới tên Hùng Vương, vị vua đầu tiên của dân tộc Việt.
Trên đây chỉ là một truyền thuyết vì rồng chỉ là một con vật tưởng tượng, không có thực, con rồng là con vật biểu tượng cho sự cao sang quyền quí và mạnh mẽ . Câu nói: "Con rồng cháu tiên" chỉ nhằm mục đích tôn vinh nguồn cội của mình, nhưng vô hình trung lại tự hạ mình xuống thành nòi giống của một loài thủy quái! Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người một cách cao quý theo hình Ngài, giống tượng Ngài để quản trị muôn loài trên đất. Thánh Kinh Cơ đốc giáo chép:
26Đức Chúa Trời phán rằng: chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. 27Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”(Sáng-thế-ký 1.26-27).
Xét ở góc độ khoa học, hiện tại khoa học vẫn chưa đủ cơ sở để xác định nguồn gốc của bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của giáo sư Y.Chu , Đại học Texas về quan hệ di truyền của người Trung quốc ”Genetic Relationship of Population in China” : Người khôn ngoan Homo sapiens được sinh ra từ Đông phi vào khoảng 160.000   đến 200.000 năm trước, sau đó từ châu Phi họ vượt Hồng Hải đến bán đảo Á rập. Từ đây một bộ phận theo ven biển Ấn độ, Pakistan đến Mã Lai, Indonésia. Rồi từ phía tây Borneo xâm nhập Việt nam. Tại Việt Nam họ hòa huyết tăng dân số. Khoảng 50.000 năm trước họ di cư đến các hải đảo Đông Nam Á, châu Úc và đi về phía tây chiếm đất Ấn Độ, sau đó họ đi lên chiếm đất Trung hoa và 30.000 năm trước vượt eo Berinh chinh phục Châu Mỹ .
Đề án nghiên cứu của Giáo sư Chu sau đó cũng được khẳng định thông qua các kết quả nghiên cứu của nhiều công trình khác như :”The journey of Man: Agenetic Odyssey” của Spencer Wells thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và công trình: “Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh thế giới” của Stephen Oppenheimer Đại học Anh quốc
Thánh kinh Cơ đốc giáo cũng đã ghi chép lại sự việc, sau trận Đại Hồng Thủy loài người càng ngày càng sinh sôi nảy nở thêm nhiều lên nên họ bắt đầu di dân. Đến đồng bằng Si-nê-a họ dừng lại xây thành và tháp Babel chót cao tận trời, mục đích là để không phải tản lạc ra. Trong quá trình xây dựng, Đức Chúa Trời đã hiện xuống làm cho lộn xộn tiếng nói của loài người để họ phải dừng công việc và tản ra khắp trên đất. Từ đó phát sinh ra có nhiều dân tộc và nhiều thứ tiếng nói khác nhau (Sáng-thế-ký 11).
Qua khoa khảo cổ học, người ta rút ra kết luận người Việt nam hiện đại là sự hòa huyết giữa chủng người Australoid (da đen) tại Việt nam và chủng người Mongoloid phương nam (da vàng)  từ vùng Sơn Đông và Ngũ Lĩnh di cư xuống.
II/ - Việt Nam và phong tục tập quán:
Người Việt Nam là một cộng đồng gồm 54 dân tộc sinh sống rãi rác trên khắp toàn thể nước Việt nam và một số nước khác mà trong đó người Việt chiếm đa số gọi là người Kinh. Theo kết quả điều tra dân số năm 2009, người Kinh chiếm khoảng 85,7% dân số cả nước, còn lại là những dân tộc thiểu số như: người Mường, người Thái, người Tày, người Chăm, người Khmer và người dân tộc Tây Nguyên ….v/v
Thế mạnh của kinh tế Việt Nam là nông nghiệp, nền văn minh lúa nước của Việt Nam được hình thành từ thời rất xa xưa, người Việt xưa cần cù, siêng năng và hiếu học. Người Việt cũng rất khéo tay với các công việc thủ công mỹ nghệ, điểm yếu của  người Việt là thường bị mối quan hệ thân tộc ràng buộc và chi phối trong các quyết định riêng tư về tình cảm cũng như trong công việc của mình. Quan hệ họ hàng ở Việt Nam cũng tạo áp lực không nhỏ cho mỗi thành viên trong họ tộc. Tại các thôn làng miền Bắc Việt nam, tộc trưởng có nhiều quyền hạn trong họ tộc, vì vậy mỗi quyết định quan trọng của một cá nhân đều phụ thuộc vào tộc trưởng và họ tộc.
 Đây cũng là một trong những bước cản trở lớn khiến cho người Việt khó đến với Đức Chúa Trời!
Người Việt thời xưa sinh sống theo làng, mỗi làng có đình làng thờ Thành hoàng, Thành hoàng làng được người Việt xem như thần bảo hộ của làng, rất gần gũi và thân thuộc. Phong tục tập quán của người Việt thì nhiều vô số, những phong tục đã có từ ngàn đời xưa được người Việt lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác và trở thành một luật lệ gắn chặt vào tâm khảm của mỗi người dân Việt khó thể bứt rời.
Lại nữa, người Việt hình thành giữa vị trí địa lý là miền bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc nên người Việt chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho Giáo, lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm đầu và xem trọng việc hiếu đạo. Người Việt tin rằng linh hồn của một người sau khi chết vẫn luôn quẩn quanh theo con cháu để phò hộ độ trì, vì thế con cháu bày tỏ lòng hiếu thuận với ông bà cha mẹ qua việc lập bàn thờ trong nhà để thờ tự và cũng để cầu mong nhận được sự che chở. Việc thờ cúng Tổ tiên được xem gần như một tôn giáo của người Việt .
Về tôn giáo, người Việt không có tôn giáo chính, ngoài hai tôn giáo bắt nguồn từ miền Tây Nam Bộ là đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo. Phật giáo là một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn độ, du nhập vào Việt Nam từ rất lâu nên được đại đa số người Việt chấp nhận, đa số người Việt tự nhận mình là đạo Phật nhưng lại không biết Phật pháp, họ chỉ biết thỉnh thoảng đi chùa, thắp nhang lạy tượng Phật, cúng dường. Cúng dường là dâng góp tiền bạc cho chùa để cầu lộc, cầu phúc và cũng để được xóa bớt tội.
Nền văn hóa của người Việt Nam cũng đa dạng và phong phú vì là sự pha trộn của nhiều nền văn hóa khác nhau của nhiều dân tộc thiểu số và người Kinh. Người Việt cũng có quá nhiều lễ hội trải suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 500 lễ hội lớn nhỏ, hầu hết những lễ hội này đều mang đậm màu sắc tâm linh nhuốm màu mê tín. Có nhiều lễ hội gây tổn hại không ít cho người và vật chất như:
 Lễ Khai ấn đền Hùng được tổ chức hàng năm tại miền Bắc Việt nam. Đây là một tục lệ xa xưa, khai ấn có nghĩa là dùng ấn chỉ đóng lên một văn bản hay chỉ dụ nào đó, thông thường văn bản đầu tiên được đóng ấn vào đầu năm mới là văn bản tốt lành. Vì thế, với lòng tin dấu ấn đầu năm mới sẽ mang đến cho người ta mọi điều tốt lành, nên mọi người bất chấp thời gian, bất chấp sinh mạng mà dẫm đạp lên nhau, hủy hoại tài sản của nhau cũng chỉ để nhận được một mãnh vãi nhỏ có dấu mộc vuông gọi là ấn đền Hùng!
III/ - Những lý do khiến đa số người Việt không đến với Đức Chúa Trời:
Với niềm tin mọi vật đều có linh hồn người Việt thờ vô số thần: cây đa lâu năm ở đầu làng, một con vật dị tật, một gốc cây, một hòn đá kỳ dị nào đó hoặc những hiện tượng thiên nhiên làm cho con người kinh khiếp….thì họ tin là có thần linh ẩn hiện và mọi thứ đều được thờ cúng.
Phổ biến nhất là Bàn Thờ Tổ Tiên và trang thờ Thần Tài Thổ Địa. Hiện nay, hầu hết nhà của các gia đình người Việt đều có ít nhất là hai bàn thờ; Bàn thờ Tổ tiên được để trang trọng trên một tủ thờ đặt giữa nhà và bàn thờ thần tài, thổ địa đặt dưới đất. Trang thờ Thần Tài Thổ Địa thì hầu như nhà nào cũng có, ngoại trừ các gia đình Cơ đốc nhân và những gia đình có quan điểm sống theo các nước phương tây.
Thổ Địa, theo tên gọi dân gian là ông Địa được người Việt xem là ông thần đất, là Thổ công, là ông thần trông coi nhà cửa của mọi gia đình người Việt. Mỗi khi xây cất nhà, đào ao, đào giếng hoặc tất cả những công việc gì đụng chạm đến đất đai, người ta đều thắp nhang cúng bái Thổ Địa để mọi việc được suông sẻ. Thông thường nhất là nhờ ông Địa tìm giúp đồ đạc thất lạc mất mát, việc đền ơn thường chỉ là một nải chuối. Trang thờ Thổ Địa luôn luôn có tượng ông Thần Tài, thần Tài là ông thần xuất xứ từ nước Trung hoa truyền sang, thường được giới kinh doanh mua bán thờ cúng để cầu xin tài lộc, buôn may bán đắt.
Người Việt rất khó đến được với Đức Chúa Trời vì không thể loại bỏ ra khỏi tâm trí niềm tin vào những ông thần hư không nêu trên. Nỗi khổ tâm lớn nhất của một người Việt khi muốn đến với Đức Chúa Trời là sự cản trở của gia tộc. Phá bỏ Bàn Thờ Tổ Tiên là một việc khó thực hiện đối với một người tin Chúa, nhưng đây lại là một điều răn quan trọng :
 Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác”(Xuất Ê-dí-tô-ký 20.3)
Điều này quả là rất khó khăn cho người Việt, vì từ ngàn đời xưa người Việt đã khắc cốt ghi tâm rằng, ông bà tổ tiên chết đi thì phải thờ cúng, như vậy mới là hiếu đạo. Vì thế, theo Đức Chúa Trời sẽ bị họ hàng thân tộc ruồng bỏ và cho là bất hiếu, từ bỏ một tập tục truyền đời trong gia tộc để đi theo một tôn giáo ngoại quốc với một “Ông” Đức Chúa Giê-su mắt xanh, da trắng, mũi lõ, tóc quăn trông rất xa lạ với người Việt là điều mà đa số người Việt không thực hiện được. Điều này càng nặng nề hơn đối với một người là trưởng nam trong gia đình hay trưởng tộc của một họ.
Thật ra, Đức Chúa Giê-su đã không để lại một hình ảnh nào trên đất để con người có thể ghi hình thờ. Những hình ảnh về Đức Chúa Giê-su do người ta đã lấy mẫu từ một người mẫu Âu Châu nào đó để làm mẫu vẽ và gọi đó là Đức Chúa Trời hay Đức Chúa Giê-su!  Nguyên nhân này cũng góp phần làm cho dân Việt càng xa rời Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Vì vậy người tin Chúa không nên treo tranh ảnh gọi là Chúa ở trong nhà vì việc làm này sẽ khiến cho người chưa biết Đức Chúa Trời sẽ có một suy nghĩ lệch lạc về Đấng tạo Hóa.
Lễ cúng giỗ là tiệc cúng ngày mất của ông bà tổ tiên, được tổ chức hàng năm. Nếu một Cơ đốc nhân không đến dự đám cúng giỗ do anh chị em mình bày để cúng tế ông bà cha mẹ mình thì sẽ bị họ hàng thân tộc phê phán, vì thế mà nhiều người Việt không dám đến với Đức Chúa Trời do không mang nỗi áp lực này.
Điều quan trọng hơn tất cả là thờ Đức Chúa Trời thì phải từ bỏ con người xấu xa cũ để tái sinh lại thành con người mới với những đức tính công bình, thánh khiết, yêu thương……! Loài người vốn bất toàn, bản tánh của loài người là xấu xa: thờ hình tượng, thù oán lẫn nhau, bất bình, bè đảng, ganh ghét, gây gổ, say sưa luông tuồng….v/v và còn rất nhiều thói xấu khác sẽ đề kháng chống lại cái tốt, không một người nào dám tự nhận mình là một người có đầy đủ những đức tình thánh khiết theo như yêu cầu để đến với Đức Chúa Trời vì như thơ của ông Phao lô viết gửi cho người Rô-ma trong Thánh kinh Cơ đốc giáo:
 21Vậy tôi thấy có luật này trong tôi: Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi”(Rô-ma.7.21)
 Hơn nữa, hình thức tổ chức của nhà thờ, nhà giảng không phù hợp với người phương Đông, Hội thánh không phải là nơi hội tụ những “thánh nhân” như người ta mong muốn mà chỉ là nơi hội họp của những người có cùng một tôn giáo, thường gọi là Giáo hội. Do đó người ta không tìm thấy ở các nơi đó có điều mà Đức Chúa Giê-su phán:
28Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các người được yên nghỉ."(Ma-thi-ơ 11.28)
 Khi một người muốn tìm đến với tôn giáo không phải vì ý thức được mình là một tội nhân, cần đến ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su mà là vì họ quá mệt mỏi với cuộc đời này nên muốn tìm đến một nơi chốn nương tựa cho tâm linh, nhưng đạo Chúa không thỏa mãn nhu cầu này của người Việt.
Vấn đề cuối cùng là phương pháp truyền giáo chưa họp lý. Chúng ta nên có một nhận thức đúng đắn về việc rao truyền danh Chúa là đưa dẫn mọi người tìm về với nguồn cội, về Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ và loài người để mọi người biết mình cần phải thờ phượng ai? kêu cầu ai? Và sau đó là ý thức được mình là một tội nhân cần đến ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su, chứ không phải chỉ là một việc làm để gia tăng số lượng giáo dân cho Giáo hội hay Giáo phái của mình.
Còn một lý do khác là từ Satan, Satan sẽ tìm đủ mọi phương cách để ngăn cản một người đến với Đức Chúa Trời. Vì đến với Chúa Giê-su là từ nơi tối tăm thoát khỏi quyền lực của ma quỉ :
 17Ta sẽ bảo hộ người khỏi dân này và dân ngoại là nơi ta sai ngươi đến, 18đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Satan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ.”(Công-vụ các sứ-đồ 26.17-18)
Nếu người nào chưa có được một nhận thức rõ ràng và chắc chắn về đạo Đức Chúa Trời và không có sự quyết tâm muốn đến với Chúa thì sẽ không vượt qua khỏi cửa ải của Satan.
IV/ - Kết luận
Bài huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Francis ngày 19-6-2013 nói rằng: Hội thánh là một thân thể sống động mà thủ lĩnh là Chúa Giê-su Ki tô. Vì thế Ông đã kêu gọi cách tha thiết các Cơ đốc nhân là Ki tô hữu, Chính thống giáo hay Tin Lành là những bộ phận trong một cơ thể có đầu là Đức Chúa Giê-su thì phải loại bỏ những xung khắc xung đột, loại bỏ những khác biệt nhau để có sự hiệp nhất, hiệp thông với nhau và tất cả đều quy về việc làm thành một thân thể sống động gắn liền với Đức Chúa Giê-su Ki Tô. Chúng ta phải cầu nguyện xin Chúa để Người giải thoát chúng ta ra khỏi các cám dỗ của sự chia rẽ. Một cơ thể mà tứ chi không gắn liền nhau cũng không gắn với đầu thì là cơ thể chết. Vậy, chúng ta là Cơ đốc nhân, bất luận Giáo hội, Giáo phái hay Hệ phái, hãy thực hiện mạng lệnh của Đức Chúa Giê-su, chia sẽ đức tin về Đấng Tạo Hóa cho dân tộc Việt Nam của chúng ta hầu cho tất cả đều được cứu. Trừ những người mà Chúa Giê-su đã nói:
 “Hầu cho họ xem thì xem mà không thấy, nghe thì nghe mà không hiểu; e họ hối cải mà được tha tội chăng.” (Ma-thi-ơ 4.12)

                                                                                                                       Hoa Thiên Lý

Tài liệu tham khảo 
1/ -Thái bá Tân – Nguồn gốc người Việt –
2/ -Hà văn Thùy – Xác lập cơ sở Khoa học để tìm nguồn gốc người Việt –
3/ -Phong tục tập quán Việt nam –
4/ - Văn hóa Việt nam – Wikipedia
5/ -Truyền thuyết - Wikipedia
6/ -Linh tiến Khải –Giáo Hội là thân mình Chúa Ki Tô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét