Translate

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Câu Chuyện Trong Ngày


T
rong câu chuyện hôm nay, chúng ta sẽ cùng suy niệm về một điều tưởng như rất xa vời nhưng lại là một thực tại vừa bí mật, vừa bất ngờ, đó là cuộc sống ở thế giới bên kia. Quý vị có tin rằng có đời sau ở bên kia thế giới chúng ta đang sống không ? Nhiều người tin có đời sau, nhưng thường không chắc chắn hay không biết những gì sẽ xảy ra sau khi chết. Một số nhỏ không tin, bảo rằng “chết là hết”. Những người khác thì không quan tâm, gạt bỏ chuyện đời sau sang một bên, chỉ biết lo cho đời này, lao đầu làm việc để kiếm sống, còn chuyện bên kia thế giới hạ hồi phân giải. Tóm lại, có 3 thái độ chính đối với cuộc sống đời sau : tin , không tin, và không quan tâm. Bạn có thái độ nào ? thái độ không tin có đời sau thật ra chỉ là một phản ứng tự vệ, khi người ta sợ hãi một thực tại họ biết mình không chủ động, vì sâu kín trong lòng, những người không tin có đời sau, không thể đưa ra một lập luận vững, đủ, để binh vực cho quan niệm của mình.
Chứng minh không có đời sau có lẽ cũng khó như chứng minh không có Thượng đế. Mặt khác, khi đa số con người đều cảm nhận được rằng có cuộc sống đằng sau cõi chết, nhưng người ta lại khó tìm thấy bằng chứng cho thực tại đó trong cuộc sống thường nhật, vì vậy con người tiếp tục sống trong nỗi khắc khoải không nguôi, mỗi khi nghĩ đến ngày mình phải từ giã thế giới này, bước sang một thế giới mình không biết.
Thông thường, con người thu đạt kiến thức qua 3 cửa : mắt, tai và suy luận. Tuy nhiên dường như cả 3 cửa này đều đóng kín đối với những tri thức về đời sau. Vì vậy Đức Chúa Trời đã hé mở cho con người một cánh cửa khác nhìn vào những thực tại thuộc linh trong cõi vĩnh hằng, và đó là cửa mặc khải. Thánh Phao-lô khi đề cập đến cánh cửa mặc khải này đã trưng dẫn sách tiên tri Ê-sai. Ông viết như sau :
 “Như có chép rằng ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những ai yêu mến Ngài. đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa” (Theo Cô-rinh-tô 1 chương 2, câu 9, 10).
Trước khi đưa ra những điều Kinh thánh mặc khải về sự thực hữu của đời sau hay cõi vĩnh hằng, chúng ta cần nêu lên một số nhận xét sau đây :
Thứ nhất, con người thật của chúng ta là con người bên trong, là toàn thể nhân cách vô hình, không phải thân xác bên ngoài. Y học cho biết, cứ mỗi 7 năm, tất cả các tế bào trong thân xác chúng ta đều được thay thế bằng những tế bào mới. Về phương diện thể chất, con người chúng ta hôm nay không phải là con người của 7 năm trước. Tuy nhiên, tôi vẫn là tôi. Nói cách khác, thể chất tôi thay đổi nhưng con người bên trong hay linh hồn tôi vẫn y nguyên. Hoặc giả nếu vì một tai nạn hay bệnh tật nào, thân thể tôi không còn nguyên vẹn, không được lành lặn thì không vì thế mà nhân cách tôi trở nên không toàn vẹn. Một người khiếm thị hay có bất cứ tật nguyền nào khác vẫn là người. Yếu tố khiến con người là người không phải là thân xác, nhưng là linh hồn bên trong.
Thứ hai, hy vọng hướng về đời sau là loại hy vọng khá phổ biến, diễn tả bằng những câu như : “sống gửi thác về ; Qua thế giới bên kia”. Sierge Lewis (?) bảo rằng : “Vì con người đã được tạo dựng cho cõi vĩnh hằng, nên con người không thể nào ngừng khao khát hướng về cõi vĩnh hằng đó”. Giống như cá sống trong nước, cho nên cá được phú ban một bản năng rất bén nhạy đối với những nơi có nước. Ngày trước ở Việt Nam, có những chuyến xe chở cá trê, cá lóc từ miền Tây lên Sài Gòn đựng trong những thùng tole vuông, mỗi lần xe qua cầu, tất cả cá trong thùng đều nhất tề quậy mạnh. Cá luôn luôn muốn tìm đường về với nước.
Thứ ba, sợ chết là tâm trạng xuất phát từ bản năng phú ban cho con người, khiến con người có cảm nhận rằng: chết chưa phải là hết, nhưng là bước sang một thế giới khác mà mình chưa biết, và hơn nữa chưa chuẩn bị. Vì thế con người không tránh khỏi hoang mang lo sợ, khi phải đối diện với cái chết.
Thứ tư, có quá nhiều bất công trên trần gian, cho nên nếu không có đời sau để thực sự có thưởng phạt công minh, thì dựa vào thực tế, dường như người ta có thể kết luận rằng: ăn hiền ở lành là dại, và những kẻ càng sống ích kỷ, gian tham trong cuộc đời, càng có lợi. Chính vì vậy, hầu như mọi người đều tin rằng, sự thưởng phạt, phán xét trong đời sau mới là chung thẩm.
Trở lại với lời dạy trong Kinh thánh về đời sau, điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý, đó là Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người có cả linh hồn và thân xác . Sách Sáng thế ký chương 2 câu 7 ký thuật như sau:
 “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh”.
 Loài sanh linh ở đây có thể dịch là “linh hồn sống”. Sau khi thủy tổ loài người là A-đam sa ngã phạm tội, con người đã ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời, phải lãnh án chết theo cả 2 nghĩa thuộc linh và thuộc thể. Về phương diện tâm linh, con người bị ngăn cách với Đức Chúa Trời; còn theo nghĩa đen, con người phải kinh nghiệm cái chết trong thân xác :
 “Vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về với cát bụi”.
Sách Truyền đạo  sau khi mô tả cái chết của con người, đã tiết lộ rằng: Thân xác con người vốn là bụi tro, sẽ trở về lòng đất; còn linh hồn, tức là con người thật sẽ đi vào cõi vĩnh hằng, mà chúng ta vẫn gọi là bên kia thế giới.
Chúa Cứu Thế Jêsus trong phúc âm Ma-thi-ơ chương 10 câu 28 đã cảnh cáo:
 “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn, nhưng thà sợ Đấng làm cho mất cả linh hồn và thân thể trong địa ngục”.
Trong ánh sáng của những lời Kinh thánh trên, chúng ta có thể rút ra một số các chân lý sau đây: con người không chỉ có thân xác mà còn có cả linh hồn. Thân xác chỉ sống tạm một thời gian rồi trở về cát bụi, chỉ linh hồn mới là con người thật và mới trường tồn. Tất cả những gì chúng ta làm cho thân xác, bồi đắp cho thân xác, ăn ngon mặc đẹp, ở sung sướng, hưởng lạc thú v. v..., tất cả sẽ mai một theo thân xác, cùng với thân xác chôn vùi trong lòng đất. Còn những gì chúng ta làm cho linh hồn sẽ cùng trường tồn với linh hồn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong suốt bao nhiêu năm sống trên đời, bạn đã làm những gì cho thân xác và đã làm những gì cho linh hồn? Tôi đề nghị bây giờ bạn lấy ra một tờ giấy chia ra làm hai cột: cột bên trái ghi tất cả những gì bạn đã đầu tư cho cuộc sống trần gian, mấy chục năm học hành, bao nhiêu năm làm việc, bao nhiêu ngày vui chơi giải trí, bao nhiêu thì giờ ngồi xem TV…. v.v; còn cột bên phải, bạn ghi ra tất cả những cơ hội, cũng như thì giờ bạn đã dành ra để suy nghĩ, lo lắng cho linh hồn, để chuẩn bị cho cuộc sống ở thế giới bên kia, một khi bạn phải từ giã thế giới này trở về trình diện với Đức Chúa Trời. Tôi e rằng nhiều người trong chúng ta đã không ghi lại được một lần nào, một dòng nào, rằng có lần mình đã thực sự ngồi xuống suy nghĩ, lo lắng cho linh hồn. Nhiều người đã sống như mình không có linh hồn, nhiều người đã sống tưởng như không có đời sau, và chết là hết. Nhiều người đã sống như cỏ cây, như cầm thú, thật là vô lý. Chúa Jêsus đã kể câu chuyện này được ký thuật trong phúc âm Lu-ca chương thứ 12 như sau:
 “Người giàu kia trúng mùa, thu hoạch hoa lợi dư dật, kho lúa quá đầy không còn chỗ chứa thêm. Ông phải suy nghĩ mãi, cuối cùng ông quyết định: được rồi, được rồi, ta sẽ phá nhà kho cũ, xây kho mới lớn hơn, như thế sẽ có đủ chỗ chứa tất cả của cải, hoa lợi, xong xuôi, ta sẽ tự nhủ, của cải này có thể tiêu dùng được hàng chục năm. Thôi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi. Nhưng Đức Chúa Trời bảo: Ngươi thật dại dột , tối nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, của cải dành dụm đó để cho ai?"
Người nào lo làm giàu dưới trần gian, nhưng nghèo nàn trên nước trời cũng dại dột như thế. Chúa đã gọi người chỉ biết lo vun quén cho cuộc sống trần gian mà không quan tâm gì đến linh hồn là kẻ dại dột. Trong cuộc sống bảy tám mươi năm mà con người đã bỏ ra hầu hết thời gian đó để học hành, làm lụng, cung phụng cho cuộc sống tạm, trong khi linh hồn sống muôn đời thì người ta lại hoàn toàn xao lãng. Đây chính là thái độ dại dột bị Chúa Jêsus cảnh cáo.
 Một mục sư ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ông phú hộ làng kia có một người đầy tớ chậm chạp, ngờ nghệch. Ngày kia ông gọi người đó lại cho một số tiền, bảo đi lên tỉnh tìm cách tự học làm ăn để học khôn. Ông cũng cho một cây gậy dặn rằng. Nếu gặp một người nào khờ khạo dại dột hơn mình, hãy cho hắn cây gậy đó. Vài năm sau, người đầy tớ trở về, thấy trong nhà người ra kẻ vào tấp nập, và ai nấy đều im lặng, mặt mày nghiêm trang, thì anh hỏi có việc gì, được biết ông chủ anh đang hấp hối. Anh vào phòng thăm, hỏi tại sao chủ lại nằm đây ? Ông chủ trả lời, ta sắp đi đến một nơi xa lắm. Thế chủ đã chuẩn bị gì cho chuyến đi xa đó chưa? anh hỏi tiếp. Chủ đáp: chưa, ta chưa kịp chuẩn bị gì cả, Người đầy tớ liền đưa cây gậy cho chủ bảo: chủ hãy cầm lấy cây gậy này, vì tôi chưa thấy người nào dại như chủ, đi xa như vậy mà không chuẩn bị gì.
Tất cả mỗi chúng ta dù muốn hay không, đều đang hành trình rất xa sang bên kia thế giới, nhưng bạn đã chuẩn bị gì cho chuyến đi này? xin nhớ rằng hầu hết những gì bạn vun xới cho cuộc sống dương gian đều vô dụng trong cõi vĩnh hằng. Trong cuộc sống tại trần gian, chúng ta có nhiều bạn hữu và người thân, nhưng trong chuyến đi sang thế giới bên kia vào cõi vĩnh hằng, bạn phải đi một mình. Nếu bạn có Chúa Cứu Thế Jêsus trong đời này, bạn sẽ có Ngài trong cõi đời đời, bằng không bạn sẽ vĩnh viễn sống trong cô đơn, và đi sang thế giới bên kia trong cô đơn tuyệt đối. Đến với Chúa Jêsus, bạn phải đến bằng đức tin và tiếp nhận phúc âm, là tiếp nhận chính Ngài. Kinh thánh dạy rằng: Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.

Theo Đài Nguồn Sống phát thanh ngày 07-03-2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét