Translate

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Làm Thế Nào Để Tin Học Hóa Toàn Bộ Các Xí nghiệp Việt nam (phần 3)



LÀM THẾ NÀO TIN HỌC HOÁ TOÀN BỘ CÁC XÍ NGHIỆP VIỆT NAM (phần 3)
Dương Quang Thiện 27/10/2013

Từ phần 2, bạn có thể rút tỉa ra những kết luận giúp bạn cho thi công (implementation) dự án. Sau đây là những kết luận:
1) Bạn phải tạo ra môn ERP rất độc đáo, mà không đại học kinh tế nào có cả. Chính cách soạn giáo án online đặc biệt sẽ giúp cho việc tin học hoá các xí nghiệp nhanh chóng, dễ dàng, không tốn kém. Như đã nói có 7 môn modul cốt lõi. Xí nghiệp tuần tự xây từng modul một, từ dễ lên khó, và phải được đưa vào hoạt động với sự bằng lòng của khách hàng. Nó giống như tự đổ bánh lấy rồi ăn, xem ngon ra sao. ERP sẽ được truyền dạy theo online.
2) Chọn ra một hệ thống truyền dạy online, thịnh hành mà ngày nay người ta gọi là MOOC, viết tắt của cụm từ Mass Open Online Course - Lớp học Trực tuyến Mở Cho Nhiều Người. Thí dụ nhóm BIS đề nghị phần mềm Moodle. Hệ thống MOOC, sẽ là miễn phí. Có thể sống bằng quảng cáo.
3) Soạn và phát hành một số sách tham khảo dành cho các chuyên viên của ngành tin học, mà hiện nay chưa được đào tạo như: kiến trúc sư, triển khai viên, phân tích viên. Ở Mỹ, các chuyên viên này không được đào tạo bởi đại học (vì đại học không chuyên môn sâu), mà bởi các nhà sản xuất máy tính  như SISCO, IBM, v.v..Các chuyên viên này ở VN không có, nên đành phải đọc sách tham khảo do ta viết ra để thủ vai giống như Tôn Ngộ Không.
4) Soạn và phát hành một số sách Step-By-Step dưới dạng ebook đối với các ngôn ngữ Visual C#, Visual Basic, VBA, và Access 2007, để dùng lập trình với ERP.
Tới đây kết thúc phần 3 và là phần chót.   

 ******************                                 

Làm Thế Nào Để Tin Học Hóa Toàn Bộ Các Xí Nghiệp Việt Nam (phần 2)



LÀM THẾ NÀO TIN HỌC HOÁ TOÀN BỘ CÁC XÍ NGHIỆP VIỆT NAM (phần 2)
Dương Quang Thiện

Trong phần 1 đi trước, ta đã rút ra những điều ta cần để ý đến, khi giải quyết vấn đề trong phần 2 này. Tôi xin liệt kê lại những kết luận rút ra, để từ đó suy ra những giải pháp có thể có được:
1/ -Vẫn còn đó 500.000 xí nghiệp/cơ quan chưa được tin học hoá và trong một thời gian ngắn vào khoảng từ 2 đến 3 năm ta phải làm thế nào tin học hoá cho xong. Nghe nói như thế, rất nhiều người sẽ cho là điên, chẵng khác nào bà Nữ Oa đội đá vá trời.
2/ - Đội ngũ IT được đào tạo trong thời gian qua cũng như trong những năm tới không thể xài được nếu tiếp tục sử dụng theo như từ trước đến nay. Một số IT đã bỏ nghề quay ngoắt 180 qua một nghề khác, một số đang lang bang không làm gì cả, một số đầu quân vào những công ty outsourcing (như công ty TMA chẵng hạn) viết phần mềm gia công cho nước ngoài, số còn lại vất vưởng trong các công ty không làm được gì ra trò, than thân trách phận. Tuy nhiên cũng có một số rất ít cố gắng bám trụ, tự mình trau dồi nghiệp vụ, cũng làm được chút gì cho xí nghiệp, nhưng không là gì cả. Chúng tôi không quan tâm đến những  công ty "đại gia" lắm của nhiều tiền dùng phần mềm ERP của các công ty phần mềm nước ngoài như Oracle, SAP, hoặc Dynamics của Microsoft. Nhưng làm sao cải tạo loại chuyên viên IT lông bông vất vưởng trong 500.000 đói HTTT quản lý này.
3/ - Chiều hướng tới là sử dụng mô hình ERP để tin học hoá các xí nghiệp mà khỏi qua các công ty ERP đại gia như Oracle, SAP, PeopleSoft hoặc Microsoft. Làm thế nào tạo những modul, dạy cho khách hàng hiểu ý nghĩa từng modul, rồi tự học lập trình từng modul cho tới khi chạy được.  Làm sao đào tạo những người trong công ty chưa hề biết tin học thành những lâp trình viên, phân tích viên, triển khai viên, và kiến trúc sư, không theo một phương thức truyền thống. Lại một kiểu đội đá vá trời.
Bây giờ tôi xin trình bày cách suy nghĩ và cách giải quyết bài toán mà chúng tôi đã trình bày trong phần 1, và trong phần mở đầu phần 2 này.
Bây giờ ta sẽ giải quyết thế nào trước khối lượng 500.000 xí nghiệp chưa có một HTTT  "ra hồn"?. Tôi có nghe một câu nói của người Hồi Giáo như sau: nếu núi không đến với tiên tri Mahomet, thì Mahomet sẽ đi lên núi. Áp dụng cho trường hợp chúng ta, thì nếu nhân viên của 500.000 xí nghiệp không thể đến trường nghe giảng kinh tế và IT (vì khối lượng quá lớn, mà cũng không tài nào có nỗi số giảng viên đủ dạy cho khối lượng người này), thì các môn kinh tế và IT phải về đến tay các nhân viên qua Internet, thông qua những lớp online (học bất cứ giờ nào, học bất cứ nơi nào, kể cả khi ngồi xã bầu tâm sự trong cầu tiêu). Vì học trực tuyến ngay tại chỗ làm việc theo phương pháp step-by-step nên cái người ta quan tâm là kết quả làm việc, cho ra ngay sản phẩm hơn là văn bằng do lớp online cung cấp. 
Các phần mềm để dạy các lớp online chạy trên nền Internet thì nay cũng đã có quá nhiều trên thị trường trên thế giới, cho phép ta chọn lựa thoãi mái. Phần mềm dạy online này thường gồm hai phần: phần A giúp giảng viên chuẩn bị giáo trình chạy online. Khi phần A được chuẩn bị xong thì được nạp lên phần B, và khi người học đăng ký môn học, thì phần B lo quản lý sự học hành của sinh viên đã đăng ký. Phần B theo dõi mọi thứ trong việc học của sinh viên: giờ giấc, nhịp độ, thời lượng, trắc nghiệm giữa kỳ và cuối kỳ, qui chiếu về những phần phải tham khảo khi trả lời sai trước những câu quiz. Nói tóm lại, giờ đây với hạ tầng cơ sở truyền thông bẳng Internet, phương pháp dạy online giúp ta giải quyết dạy thực tập một số lượng lớn người học với một phí tổn hầu như bẳng zero. Riêng chúng tôi, thì nhóm Khai Trí Business Information System (BIS) đã đề nghị sử dụng phần mềm Moodle trong việc dạy online. Chúng tôi nghiên cứu phần mềm miễn phí này.
Như vậy, với Internet và phương pháp dạy online, ta có cơ hội dạy cùng lúc cho một số lớn xí nghiệp cách làm thế nào tự tin học hoá việc quản lý sử dụng máy tính và tự thành lập một HTTT quản lý cho mình mà khỏi phải sự trợ giúp của các công ty phần mềm Oracle, SAP, v.v.. hoặc của các công ty outsourcing. Vấn đề là tạo ra một nội dung cho mỗi các môn học hình thành những modul của mô hình ERP như ta đã giải thích trong phần 1. 
Công việc như thế nào?  Ta phải hình thành 7 môn cốt lõi tương ứng với 7 modul ERP, như ta đã trình bày ở phần 1. Mỗi môn, khi dạy phải mang hai hình thái: kinh tế và IT. Phần kinh tế vào đầu giải thích chức năng của modul về mặt kinh tế trong lòng một xí nghiệp:  ý nghĩa kinh tế của chức năng, từ khi vào cho đến khi ra, kèm theo những luồng dữ liệu/thông tin (DL/TT) đi kèm khi thực hiện chức năng này. Chính trong các trường kinh tế tài chính, người ta chỉ dạy phần chức năng của modul, nhưng lại không phân tích luồng dữ liệu / thông tin phát sinh hoặc thu thập để được xử lý theo mô hình IPO (Input-Process-Output) như theo hình dưới đây:

Khi giải thích các luồng DL/TT vào ra modul hoặc luân chuyển trong nội bộ modul, chúng tôi sẽ sử dụng cách vẽ được gọi là Data Flow Diagram (DFD) để chỉ rõ đường đi nước bước của dữ liệu. Dưới đây là một hình DFD của modul Order Processing (xử lý đơn đặt hàng).


Khi người học đã hiểu thấu phần kinh tế của modul, thì chúng ta bước qua dạy cách thực hiện chức năng kinh tế thông qua các chương trình phần mềm máy tính. Ta có thể chọn ngôn ngữ lập trình C# hoặc phần mềm Access 2007 của Microsoft. Theo tôi nghỉ, bước đầu ta sử dụng MS Access, vì nó tương đối dễ học và thực hành, cho ra chương trình nhanh và dễ chỉnh sửa. Sau khi hình thành xong một hệ thống chạy bằng Access chạy tốt, ổn định, ta có thể chuyển đổi hệ thống viết theo ngôn ngữ C#, nếu ta muốn. Trong giai đoạn này, ta dạy cho người học tạo ra những tập tin (file) - còn gọi là table - thường được chia thành: master file, detail file, transaction file, v.v.., rồi những màn hình nhập dữ liệu, gọi là data entry screen, cũng như các báo cáo. Ta phải dạy thành lập những chương trình xử lý dữ liệu theo kiểu từng bước một (step-by-step), xong bước này tới bước khác. Khi đạt đến bước cuối cùng thì modul sẽ được đưa vào hoạt động. Dữ liệu cho mỗi modul sẽ được lấy từ xí nghiệp, dữ liệu sống. Khi ta hình thành một hệ thống ứng dụng cũa mỗi modul đến bước hoàn tất thì ta có thể cho chạy thừ song song với hệ thống làm bằng tay trong 3 tháng tối đa, để so sánh kết quả, nếu có sai sót nhỏ thì chỉnh sữa, cho tới khi hệ thống làm bằng tay và hệ thống chạy bằng máy tính cho ra kết quả giống nhau. Lúc này, thì ta có thể gỡ bỏ hệ thống làm bằng tay. 
Như chúng tôi đã bảo là trong mô hình ERP có cả thảy 7 modul. Có modul dễ, có modul khó. Ta bắt đầu thành lập modul dễ, rồi tiếp theo modul vừa vừa, và cuối cùng modul khỏ nhất. Như vậy những modul dễ đi trước sẽ tập huấn những bước đi ban đầu giúp bạn thêm kinh nghiệm đối với  những modul đi sau. Chúng tôi sắp xếp các modul đi từ dễ lên khó như sau:
 (1) CASH & BANK (CAB); ACCOUNT RECEIVABLE & ACCOUNT PAYABLE (AR/AP);
 (2) FIXED ASSETS (FA), ACCOUNTING (ACT);
 (3) INVENTORY CONTROL (IC); ORDER PROCESSING & SALES (OPS);
 (4) PAYROLL (PAR). Modul dễ chỉ cần 2 tuần là xong. Modul vừa cần 4-6 tuần là xong, còn modul khó thì phải mất 12 đến 20 tuần. Nếu giỏi lắm thì mất 12 tháng, bết lắm cũng 18 tháng. Có người sẽ cho tôi quá lạc quan. Có nhiều công ty tự động hoá chỉ một ứng dụng vật tư mà mất đến 2 năm mà chưa đâu vào đâu. Ở đây, nên nhớ phần phân tích, phần xác định nhu cầu (requirement) nhập và xuất chủng tôi đã làm hơn 80% công việc, khi truyền cho học viên theo online, học viên làm phần 20% còn lại thích ứng với môi trường họ ứng dụng. Do đó, tôi để cho thời gian trả lời tôi có lạc quan tếu hay không.
Như bạn có thể thấy, điểm quan trọng là nội dung của mỗi modul sẽ được truyền giảng bằng online. Học viên sẽ được học phần lý thuyết (phần kinh tế), rồi sau đó thực hiện thực hành những chương trình (phần IT). Như vậy học viên sẽ biết lục phủ ngũ tạng của một HTTT quản lý sẽ được hình thành thế nào, hoàn toàn khác với việc sử dụng phần mềm ERP mua của ngoại quốc. Phần mềm ERP của ngoại quốc viết theo cái lô gic cơ sở pháp lý ngoại quốc, còn đây học viên viết theo lô gic pháp lý VN. Khi một xí nghiệp tham gia chương tin học hoá của chúng tôi, theo mỗi modul họ phải gởi ít nhất 2 người, 4 người đối với module khó lập thành một team. Team này, gồm một nữa quen nghiệp vụ của chức năng (phần kinh tế), nữa kia biết IT (có thể là những ai lông bông, vất vưỡng), như vậy khi học làm một modul thì người quen nghiệp vụ sẽ giải thích phần kinh tế cho người IT phía kia hiểu, còn khi qua viết chương trình, thì dân IT giải thích phần kỹ thuật máy tính cho dân nghiệp vụ kinh tế biết rõ. Như vậy, cả hai loại người hiểu nhau người này không ai cầm tay chỉ việc người kia.
Cuối cùng, làm thế nào đào tạo những người trong công ty chưa hề biết tin học thành những lâp trình viên, phân tích viên, triển khai viên, và kiến trúc sư, không theo một phương thức truyền thống. Lại một kiểu đội đá vá trời. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ soạn những tập sách đặc biệt: một dành cho kiến trúc sư, một dành cho triển khai viên. Còn sách dành cho phân tích viên, thì bộ sách "Phân tích Thiết kế các HTTT" của ông Dương Quang Thiện đã khá đầy đủ và đã được phát hành từ lâu. Như bạn đã biết là tại các xí nghiệp chỉ có kỹ sư tin học. Còn các chức danh khác: phân tích viên, triển khai viên và kiến trúc sư thì là zero. Ta đành hoạt động theo kiểu phân thân của Tôn Ngộ Không. Nếu đóng vai kiến trúc sư, thì đọc quyển sách dành cho kiến trúc sư mà chúng tôi sẽ viết ra trong tương lai. Với vai trò triển khai viên cũng thế. Mỗi vai trò đều độc lập, nên việc đọc tập dành cho kiến trúc sư không tuỳ thuộc vào kiến thức của triển khai viên. Trong một lúc, bạn có thể giữ nhiều vai trò, giống như Tôn Ngộ Không. Viêc này không có chi là không thể được, vì bản thân tôi, tôi đã có lần làm như thế.
Tôi xin kể chút chuyện của tôi để các bạn hiểu vấn đề tôi đặt ra. Đầu năm 1964, tôi vào làm việc cho IBM FRANCE ở Paris. Sau 18 tháng được huấn luyện thành System Engineer (SE), tôi được chuyễn về Sai Gon làm cho IBM WORLD TRADE, vào ngày 14/07/1965, đúng một tuần trước khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, bắt đầu mộc chiến tranh can thiệp. Vào thời điểm đó, chỉ ở SG mới có máy điện cơ kế toán, được gọi là unit records (UR), tiền thân máy điện toán. Có cả thãy 25 cơ quan nhà nước và 2 cơ quan tư nhân Pháp sử dụng máy UR. Nhiệm vụ của tôi là làm thế nào dụ khách hàng chuyển từ máy UR thành máy IBM 360/20. Vì là người Việt đầu tièn vào ngành này, nên một thân một mình phải tự bươn chải, chả dựa được vào ai. Ban ngày đi phân tích vấn đề cho 4 cơ quan, ban đêm đi dạy lập trình ngôn ngữ RPG tại hai nơi: trường nay là Lê Quy Đôn, và bộ tổng tham mưu VNCH nay ở đường Hoàng Văn Thụ. Sau đó dạy cho nhân viên các cơ quan làm phân tích chi tiết, rồi vẽ flowchart các chương trình phải viết, rồi theo dõi nhân viên viết chương trình, test, rồi ráp nối thành ứng dụng. Bạn thấy tôi giống như Tôn Ngộ Không không. Trong 4 năm tôi tin học hoá được 12 cơ sở, trong ấy có công ty BGI của Pháp mà tôi đầu quân vào giữa năm 1969. Trước khi rời IBM tôi đã lên trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt tuyển cho IBM 12 người để được đào tạo thành SE như tôi. Câu chuyện nhỏ này cho bạn thấy có thể đào tạo các chuyên viên điện toán hoạt động theo kiểu Tôn Ngộ Không như tôi đã từng làm.
Tới đây tôi xin chấm dứt phần 2.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Làm Thế Nào Để Tin Học Hóa Toàn Bộ Các Xí Nghiệp Việt Nam (Phần 1)



LÀM THẾ NÀO TIN HỌC HOÁ TOÀN BỘ CÁC XÍ NGHIỆP VIỆT NAM (phần 1)
Dương Quang Thiện

Trước tiên, tôi muốn trình bày lại mục tiêu của vấn đề mà tôi mong muốn giúp giải quyết cho đất nước và đã mời anh chị em tham gia đóng góp ý kiến. 
Hiện giờ, theo tính toán của tôi dựa trên các báo chí, VN có vào khoảng 500.000 xí nghiệp & cơ quan hành chính nhà nước, đã được nối mạng và được trang bị phần cứng đầy đủ, nhưng lại không có một hệ thống thông tin (HTTT) ra hồn giúp quản lý xí nghiệp. HTTT phần lớn không được xây dựng theo mô hình Enterprise Resource Planning (ERP) - hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, như ở các nước tiên tiến. Vì sao nông nỗi thế này?. 
Theo các nước Âu Mỹ, tại các xí nghiệp nào muốn tin học hoá thì bắt buộc phải có một bộ phận trung tâm điện toán lo việc này, và người đứng đầu của cơ quan này phải có chức vụ phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, vì ngày nay người ta quan niệm thông tin của xí nghiệp là một tài sản quý giá, phải được khai thác một cách chính xác, có hiệu quả. Mọi quyết định quản lý được lấy ra sẽ xuất phát từ HTTT này. Chính điều này, các giám đốc công ty tư nhân cũng như lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước VN chưa hề ý thức, do đó anh em IT thường than phiền là mình không được tôn trọng, nếu không nói là không được trọng vọng như ở Âu Mỹ.
Hiện giờ, tại các xi nghiệp tiên tiến tại các nước phát triển, người ta sử dụng mô hình ERP để tập trung xây dựng căn cứ dữ liệu (database) cho một HTTT quản lý. Mô hình ERP, gồm vào khoảng 7 module cốt lõi:
1) Order Processing & Sales (OPS) - xử lý hoá đơn & bán hàng. Module  OPS này lo việc các đơn đặt hàng từ khách hàng sẽ được xử lý thành những hoá đơn, những phiếu giao hàng, và những báo cáo bán hàng cuối kỳ;
2) Inventory Control (IC) - Tồn kho Sản Phẩm/Vật tư. Modul IC này lo ghi nhận các giao dịch xuất nhập tồn kho, tính giá trị từng giao dịch xuất kho để tính ra doanh thu, cũng như tính ra các điểm ROP và EOQ để đặt mua hàng tránh cháy hàng;
3) Account Receivable (AR) - công nợ khách hàng. Modul AR này cho biết chi tiết nợ nần của khách hàng đối với công ty xí nghiệp. Modul AR này luôn luôn liên hệ tự động với modul OPS, và modul IC;
4) Fixed Assets (FA) - tài sản cố định. Modul FA này giúp kiểm kê thường xuyên các tài sản cố định: đất đai, nhà cửa, máy móc, thiết bị, tài sản văn phòng. Đồng thời modul FA này tính tiền khấu hao hằng tháng theo loại tài sản để đưa vào giá thành sản phẩm;
5) Account Payable (AP) - công nợ nhà cung cấp. Phòng cung tiêu sử dụng modul AP này phối hợp với modul IC và Modul FA để cho ra công nợ nhà cung cấp (tài sản cố định, vật tư, sản phẩm) mà quỹ tiền mặt & ngân hàng sẽ dùng để chuẩn bị tiền phải thanh toán cho nhà cung cấp;
6) Cash & Bank (CBK) - Tiền Mặt & Ngân Hàng. Modul CBK này theo dõi tiền mặt và tiền tại những tài khoản khác nhau ở ngân hàng. Modul CBK thường xuyên liên hệ tự động với các modul OPS, IC, AR, AP liên quan đến tiền bạc, chuyễn ngân;
7) Payroll (PAR) - Lao Động Tiền Lương. Modul PAR lo tính tiền lương cho nhân viên, kể cả các phí bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân. Từ tiền lương này, ta có thể tính ra giá thành sản phẩm;
8) Accounting (ACT) - kế toán. Modul ACT là modul tổng hợp các giao dịch kế toán đến từ các modul công năng khác. Modul ACT này sẽ tự động tạo ra các báo cáo tài chính nhanh hơn và chính xác. Ở trên, chúng tôi bảo rằng ERP có cả thảy 7 modul cốt lõi, nhưng ở đây chúng tôi lại liệt kê ra đến 8 modul. Thật ra, modul AR - công nợ khách hàng và modul AP - công nợ nhà cung cấp, có thể phối hợp lại thành một modul, vì cách xử lý giống nhau, chỉ là khác chiều.
Nói tóm lại, về mặt quản lý xí nghiệp, tại các nước tiên tiến, người ta thống nhất mô hình ERP, với một database tập trung cho toàn xí nghiệp. Các máy tính được nổi mạng. Các phòng ban làm đúng công năng bình thường, thường nhật của mình qua máy tính. Khi xong một giao dịch đặc thù của công năng của minh, thì một số giao dịch phát sinh (by product transaction) khác sẽ hiện lên tự động nhật tu các modul khác, mà trước đây các kế toán viên khác nhau trong xí nghiệp phải lấy bằng tay, với những sai sót kèm theo. Thí dụ, khi bạn làm xong một hoá đơn, thì một số giao dịch tự động nhật tu các mặt hàng được đặt mua trên modul tồn kho IC, một giao dịch khác nhật tu công nợ khách hàng trên modul AR theo số tiền hoá đơn, v.v..
Nhìn chung thì HTTT viết theo mô hình ERP rất phức tạp khó viết. Tuy nhiên, trong thị trường phần mềm, cũng có nhiều công ty cho ra phần mềm ERP, nhưng rất mắc. Mỗi modul vào khoảng  300.000 đô (= 6 tì đồng). Phần cốt lõi (core), gồm 7 modul, cũng phải tốn vào khoảng 40 tì đồng. Việc cài đặt và đưa vào hoạt động không dễ dàng chút nào. Nói tóm lại, phải là đại gia, như Vinamilk, hoặc Sabeco mới kham nổi, mà chưa chắc thành công vì sự phức tạp của phần mềm. Ngoài ra, trên thị trường phần mềm. Cũng có những phần mềm mở, gọi là openERP, giá rẽ hơn, nhưng phải nhờ một công ty trung gian làm giùm việc customize, nghïa là thích nghi phần mềm với tình trạng của khách hàng.
Khi sử dụng các phần mềm ERP của các hãng Oracle, SAP, Microsoft (Dynamics), hoặc của PeopleSoft, sự phức tạp của phần mềm không ai giải thích cho bạn. Nếu có chuyên viên công ty phần mềm đến tư vấn giải thích, thì khi họ bỏ đi, những giải thích trước kia của chuyên viên đối với bạn giống như nước đổ đầu vịt. Gan ruột phèo phổi của phần mềm được viết thế nào trong nội tạng phần mềm, bạn không bao giờ được biết. Bạn có lục tìm sách về ERP trên Amazon.com, trên thế giới, kể cả ở đại học, bạn cũng không thấy đâu cả. Lý do rất đơn giản là các kỹ sư tin học, lập trình viên làm việc cho các công ty phần mềm ERP kể trên họ bị ràng buộc bởi một điều khoản là những gì họ làm là thuộc quyền sở hữu trí tuệ của công ty. Bạn không có quyền phổ biến chi tiết, không có quyền viết sách mô tả chi tiết về ERP v.v..
Theo nguyên tắc, nếu có một trung tâm điện toán lo việc xử lý các dữ liệu của cơ quan/xí nghiệp, thì nhân viên sẽ gồm nhiều thành phần, kể từ dưới lên theo trình độ chuyên môn là: lập trình viên (programmer), phân tích viên (analyst), phát triển viên (developper), kiến trúc sư (architect). Trong các sách tôi viết về C# và về phân tích thiết kế HTTT, tôi thường so sánh ngành tin học cũng giống như ngành xây dựng, nhân viên ngành này thường gồm từ dưới lên: thợ hồ-thợ nề-thợ điện, kỹ sư xây dựng, công trình sư, và cuối cùng là kiến trúc sư. 
Các đại học VN từ 1980 đến nay đào tạo kỹ sư tin học chỉ biết lập trình một ngôn ngữ lạc hậu nào đó, và "nghe nói sơ sơ" về phân tích (nghĩa là chưa bao giờ thực hành, vì số tiết dành cho phân tích rất là nhỏ nhoi so với số tiết của môn triết lý Mác Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh, học viên học giống kiểu cưỡi ngựa xem hoa). Các cơ sở đào tạo tin học tư nhân, như CNIT, APTECH, FPT, .. cũng cho ra loại người như thế, nghĩa là tương đương với thợ hồ-thợ nề-thợ điện bên xây dựng. Với một đội ngũ như thế, thì làm sao có thể xây dựng HTTT  quản lý đúng theo ý nghĩa của nó. Với một anh thợ hồ thợ nề thì giỏi lắm bạn cũng chỉ có thể xây một cái chòi, một cái nhà cấp 4, làm gì mà mơ xây dựng được một toà nhà chung cư cao cấp hiện đại. Do đó, không thể trách được các lãnh đạo VN là không tin tưởng tay nghề của các kỹ sư tin học được đào tạo ở VN. Bạn cứ xem lại việc Intel phải trắc nghiệm bao nhiêu ngàn kỹ sư tin học VN để chỉ lấy được một hai chục mống, rồi còn phải gởi ra ngoại quốc đào tạo lại, sau đó mới mong sử dụng được. Intel họ có tiền, họ mới làm chuyện ấy, chứ xí nghiệp VN thì làm gì có tiền để làm chuyện đãi cát tìm vàng. Nói một cách thô tục, là kỹ sư tin học (KSTH) được đào tạo tại VN là không xài được. Sản phẩm hoàn tất (end product) KSTH đầy khiếm khuyết. Có một bài báo than phiền là lương trả cho IT rẽ như bèo, và từ 3 năm nay không ai hăm hở đăng ký tuyển sinh vào ngành tin học. Do đó, dù lãnh đạo giáo dục VN có dự trù trong 5 năm tới sẽ đào tạo ra 1 triệu kỹ sư tin học, thì tình trạng 500.000 cơ quan/xí nghiệp ở VN đói HTTT quản lý cũng sẽ không giải quyết được, vì sản phẩm KSTH xài không được. Tôi có cảm tưởng lãnh đạo ngành giáo dục ở VN không biết điều này, hoặc có biết nhưng không bận tâm.
Như đã nói trên, ở các nước phát triển, trung tâm điện toán làm nồng cốt, thường được gọi là lực lượng in-house, gồm 4 thành phần: lập trình viên, phân tích viên, triển khai viên và kiến trúc sư tin học. Lập trình viên khi mới ra trường vào chức vụ này sau 3-4 năm kinh nghiệm sẽ lên phân tích viên. Và phân tích viên cũng thế, bò lần lên triển khai viên. Khi bạn mới vào nghề lập trình viên thì bao giờ bạn cũng được cặp kè chỉ dẫn bởi một phân tích viên, còn phân tích viên được cặp kè với triển khai viên. Do đó, một HTTT quản lý, sau khi được phân tích rồi được thiết kế, và được triễn khai lần lượt sẽ qua tay 4 loại người kể trên, được phân công rõ ràng. Còn ở VN, thì KSTH một thân một mình, không ai ở trên kèm cặp, chả biết xoay xở ra sao, giống như gà mắc tóc. Nếu bạn vào các diễn đàn tin học, thì bạn sẽ đọc những lời kêu cứu như sau: “các bác ơi, công ty em giao cho em viết phần mềm tồn kho vật tư nguyên liệu. Em chả biết viết sao đây. Bác nào giúp em với”. Ông cậu này tưởng viết phần mềm tồn kho là chỉ cần vài câu tư vấn là xong ngay. Nói tóm lại, KSTH mới ra trường, may mắn được xí nghiệp, thì bao giờ cũng đơn thương độc mã, không biết kêu với ai. Rốt cuộc chả làm gì được, chỉ đem lại sự thất vọng cho người tuyển mình vào làm.
Bây giờ, bạn xem lại ở VN, người ta làm thế nào. Các giám đốc VN họ nghĩ rằng họ chỉ cần bỏ tiền ra mua mấy cái máy vi tính, cho nối mạng, rồi cài vài cái phần mềm Word, Excel, và Foxpro thế là xong, rồi thuê một cậu kỹ sư tin học nào đó (có thể là loại COCC) bảo nó viết một ứng dụng là a lê hấp chạy xong, giống như mua một chiếc xe hơi de luxe, thuê một tên tài xế, thế là rồi việc. Phần lớn các giám đốc cơ quan/xí nghiệp nghĩ đơn giản như thế. Ngoài ra, ở đây, người ta nghỉ rằng máy tính xử lý dữ liệu kế toán nhanh và chính xác. Đúng thế, nếu ta nhập và kiểm tra dữ liệu đầu vào một cách chính xác, thì các báo cáo tổng hợp đi sau sẽ chính xác và nhanh chóng. Nhưng khổ một nỗi là ở đại học tin học, anh/chị kỹ sư tin học không biết chi về kế toán, mù tịt về tồn kho vật tư, về công nợ khách hàng/nhà cung cấp, về khấu hao tài sản cố định, về lao động tiền lương, về xử lý hoá đơn, khách hàng, về qũy tiền mặt và ngân hàng, về SCM, về HR, về CRM, về... ERP. Nếu các thầy dạy tin học ở trường không biết những điều vừa kể trên thì làm sao học trò biết được. Do đó, lỗi là ở bộ GDĐT đã cấu trúc nội dung môn học chả ra thể thống gì cả, chứ không phải lỗi tại các thầy. Trong thực tế, vào cuối năm 1976, một phái đoàn các nhà toán học cầm đầu bởi nhà toán học Phan Đình Diệu, vào Sai Gon đến gặp tôi suốt một tuần lễ, khi tôi đang là trưởng phòng điện toán của công ty Rượu Bia (trước là công ty BGI của Pháp, nay là Sabeco). Vì lúc ấy, người miền Nam cho tôi là "trùm điện toán", nên người ta đến gặp tôi xin ý kiến về tin học. Tôi đã chỉ dẫn tỉ mỉ đường đi nước bước. Nhưng, vì cho mình là "bên thắng cuộc", nên mang tiếng là nhà khoa học, họ đã bỏ qua những lời khuyên của tôi, thuộc bên thua cuộc. Kết quả là họ cho ra một chương trình đào tạo không ra ngô ra khoai. Ta tự làm mất đi 20 năm (+ thêm 20 năm bị Mỹ cấm vận) để cho ra những "ổ bánh mì" KSTH vô dụng, và ta sẽ tiếp tục làm như thế. Vừa rồi ông Nguyễn Thiện Nhân, trong một phát biểu, đã xác nhận ít nhiều tình trạng này, khi cho rằng không có một HTTT nào ra hồn vì chưa có công trình sư. Thật ra ông muốn nói lớp người phân tích viên + triển khai viên + kiến trúc sư tin học, như tôi đã kể trên.
Nói tóm lại, thì với hiện tình đội ngũ nhân viên IT như thế này,  thì trong một thời gian ngắn, không tài nào tin học hoá đươc 500.000 xí nghiệp/cơ quan đang đói HTTT quản lý. Có chờ một triệu KSTH trong 5 năm tới cũng không thay đổi gì được tình hình. Do đó, người ta mới nghĩ ra một cách là dùng outsourcing hoặc dùng software as service (SaS).
Outsourcing là gì thế? Nghĩa là nguồn lực dùng tin học hoá lấy từ ngoài xí nghiệp/cơ quan đưa vào. Người ta outsourcing như thế này: xí nghiệp có một đội ngũ IT in-house đã đủ việc. Bây giờ thình lình, có một ứng dụng cũ muốn được cải tiến, hoặc một ứng dụng mới chưa từng có trước đây muốn được đưa vào. Nhưng đội ngủ IT in-house không thể đãm đang công việc mới. Do đó, xí nghiệp kiếm một công ty viết phần mềm X ký hợp đồng viết ứng dụng. Công ty X lo mọi việc từ đầu tới cuối, nghĩa là phân tích, thiết kế, triển khai, v.v.. Đây được xem như là một ứng dụng chìa khoá trao tay. Để tiết kiệm chi phí lập trình rất mắc ở Mỹ, công ty X ký hợp đồng outsourcing với một công ty Y ở VN, lo việc lập trình mà thôi. Như vậy, việc outsourcing có đến 2 cấp. Cấp 1 từ công ty Mỹ với công ty X, cấp 2 giữa công ty X ở Mỹ với cộng ty Y ở VN. Nói tóm lại giải pháp outsourcing chỉ là tạm thời giải quyết "nút thắt cổ chai" của phòng IT. Tuy nhiên, phòng IT in-house phải có người biết phân tích thiết kế và triển khai thì mới lợi dụng được tính tiện ich của outsourcing. Còn ở VN ta, thì thế nào? Tôi chưa nghe thấy xí nghiệp VN nào làm việc này.
Cuối cùng, có một giải pháp tiên tiến hơn nếu bạn có kết nối với Internet. Đó là giải pháp SaS + cloud progranmming. SaS tắt của cụm từ Software as Service, nghĩa là một phần mềm được cung cấp cho bạn như là một dịch vụ. Bạn không mua đứt bán đoạn hoặc trả bản quyền rắc rối. Bạn dùng phần mềm qua Internet, đơn vị tính là giao dịch, xài bao nhiêu giao dịch thì trả bấy nhiêu tiền. Không xài, không trả. Còn cloud programming là lập trình theo đám mây, nghĩa dữ liệu của bạn không còn nằm trong server của bạn mà được ký thác đâu đó, xê dịch liên tục giống như mây trời. Nghĩa là giờ đây bạn không còn cài đặt server (do đó không còn hiện diện đội ngũ quản trị mạng, không còn lo vi rut, hacker v.v..) mà dữ liệu giao cho ai đó nhờ giữ hộ. Bạn chỉ trả tiền theo dịch vụ phần mềm bạn thuê sử dụng. Ở VN, cũng bắt đầu chớm nở loại hình dịch vụ SaS này, ở Bình Dương thì phải. Theo chúng tôi, đây là một giải pháp cho tương lai. Thời gian sẽ trả lời.
Tóm lại, ta có thể rút ra những điều ta cần để ý đến khi giải quyết vấn đề trong phần 2 kế tiếp:
1/ - Vẫn còn đó 500.000 xí nghiệp/cơ quan chưa được tin học hoá trong một thời gian ngắn vào khoảng từ 2 đến 3 năm phải cho xong.
2/ - Đội ngũ IT được đào tạo trong thời gian qua cũng như trong những năm tới không thể xài được nếu tiếp tục sử dụng theo truyền thống. Một số IT đã bỏ nghề quay ngoắt qua một nghề khác, một số lang bang không làm gì cả, một số đầu quân vào những công ty outsourcing (như công ty TMA chẵng hạn) viết chương trình cho nước ngoài, số còn lại vất vưởng trong các công ty không làm được gì ra trò. Làm sao cải tạo loại IT này.
3/ - Chiều hướng tới là sử dụng mô hình ERP để tin học hoá các xí nghiệp mà khỏi qua các công ty ERP đại gia như Oracle, SAP, PeopleSoft hoặc Microsoft. Làm thế nào tạo những modul, dạy cho khách hàng hiểu ý nghĩa từng modul, rồi tự học lập trình từng modul cho tới khi chạy. Làm sao đào tạo những người trong công ty thành những lâp trình viên, phân tích viên, triển khai viên, và kiến trúc sư, không theo một phương thức truyền thống.
Tới đây, xem như bạn đã biết qua mặt mũi thế nào của vấn đề mà ta mong muốn giải quyết.

********************